Đề xuất 3 phương án quy hoạch các sân golf

(Dân trí) - Quá nửa trong tổng số 90 sân golf thuộc quy hoạch trên phạm vi cả nước đang chậm tiến độ hoặc xây dựng sai quy định và hơn 3/4 các dự án là kết hợp kinh doanh bất động sản và khu du lịch…

Con số này vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra sau khi kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả của các dự án sân golf trên cả nước.
Chỉ 24 sân golf có người chơi

Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2009, cả nước có 90 sân golf nằm trên địa bàn 34 tỉnh, thành. Như vậy nghĩa là có tới 76 sân golf đã bị loại ra so với trước khi có quy hoạch (166 sân golf) do những dự án này không đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện hình thành sân golf, đồng thời thu hồi lại trên 15.600ha đất các loại.

Đề xuất 3 phương án quy hoạch các sân golf - 1
Hiệu quả từ dự án sân golf chủ yếu thu từ kinh doanh bất động sản (ảnh minh họa)

Đáng chú ý, trong số 90 dự án nằm trong quy hoạch, theo kết quả kiểm tra của Bộ KH-ĐT vừa đưa ra, chỉ có 24 sân golf đang hoạt động, 5 sân đang đề nghị phải rút ra khỏi quy hoạch vì chậm tiến độ và chuyển đổi mục đích đầu tư, phần lớn còn lại mới trong giai đoạn xây dựng và đang hoàn thiện thủ tục.

Không những vậy, có tới 46/90 sân golf có “vấn đề” như: chậm tiến độ, hồ sơ về đất đai không khớp với thực tế sử dụng đất, xây dựng khi quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt, giao đất nhưng chưa sử dụng, giải phóng mặt bằng chậm…

Bên cạnh đó, tình trạng xin đất làm sân golf nhưng lại kinh doanh BĐS cũng diễn ra phổ biến. Trong số 90 dự án đã được quy hoạch, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf, 69 dự án còn lại đều kết hợp kinh doanh sân golf và kinh doanh bất động sản, khu du lịch, trong đó sân golf chỉ là một dự án thành phần.

Nhiều dự án có diện tích chiếm đất lớn nhưng diện tích dành cho sân golf chỉ trên dưới 10% trên tổng diện tích toàn dự án. Trong đó phải kể đến như: dự án Tam Nông (Phú Thọ) có diện tích là 2.069 ha, trong đó diện tích để xây dựng sân golf chỉ có 171,6 ha (chỉ chiếm 8,5%).

Dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội) có tỷ lệ diện tích tương ứng là 1.204/222 ha (chiếm 18,4%); Dự án Khu du lịch – đô thị sinh thái hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) là 1.730/161,5 ha (chiếm 9,3%);

Dự án Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) là 2.042/143,4 ha (chiếm 7%); Sân golf 18 lỗ và sân tập golf tại Cam Lập, TX Cam Ranh (Khánh Hòa) là 1.502/134 ha (chiếm 9%)…

Giữ nguyên hay bổ sung?

Nhận định về hiệu quả của các dự án, Bộ KH-ĐT cho biết, với 24 dự án đã được đưa vào hoạt động có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Các dự án đã thu hút được trên 8 nghìn lao động. Mức nộp ngân sách nhà nước năm 2010 theo thống kê chưa đầy đủ khoảng 505 tỷ đồng…

Đoàn kiểm tra cũng đánh giá, hiệu quả của các dự án sân golf chủ yếu là kinh doanh bất động sản như: bán, cho thuê biệt thự trong khu vực dự án. Còn bán thẻ hội viên cũng là một nguồn thu nhưng không đáng kể.

Qua kiểm tra, Bộ KH-ĐT còn phát hiện thêm 27 sân golf thuộc 13 tỉnh thành nằm ngoài danh mục và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được duyệt, (trong đó nhiều nhất là ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có 5 dự án).

Như vậy, nếu tính cả số sân golf đã có trong quy hoạch (85 sân, đã trừ 5 sân ra khỏi quy hoạch), số sân nằm ngoài quy hoạch (27 sân) và số sân đề nghị bổ sung mới (12 sân), thì tổng số các dự án sân golf dự kiến là 124 sân.

Trước tình hình đó, Bộ KH-ĐT đã đề xuất 3 phương án quy hoạch các sân golf. Phương án 1, giữ nguyên số lượng sân golf đến năm 2020 là 90 dự án (trong đó bổ sung 5 dự án thay thế 5 dự án đã bị đề xuất loại ra khỏi danh sách).

Phương án 2, bổ sung thêm 11 dự án sân golf với tổng diện tích là hơn 2.100 ha. Theo đó, các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa mỗi địa phương bổ sung 1 dự án, còn Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận được bổ sung 2 dự án.

Còn phương án 3 là bổ sung 33 sân mới ngoài quy hoạch, nâng số sân golf lên 118 sân. Theo Bộ KH–ĐT, phương án này sẽ khiến quy hoạch sân golf sẽ không bị phá vỡ và tránh được việc bổ sung điều chỉnh. Thêm vào đó, số sân golf sẽ tương đương với các nước trong khu vực.

Lan Hương