Đề nghị thu thêm 1.400 tỷ đồng tiền sử dụng đất tại Ciputra

Liên ngành (Sở Tài chính, Cục thuế, Sở Tài nguyên Môi trường...) của thành phố Hà Nội vừa đề nghị thu bổ sung 1.400 tỷ đồng tiền sử dụng đất đối với Cty Nam Thăng Long - chủ đầu tư dự án khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra).

Đây là mức cao nhất từ trước tới nay mà cơ quan chức năng phải thu bổ sung đối với một dự án bất động sản...

 

Một khu biệt thự của dự án Nam Thăng Long đang hoàn thiện.
Một khu biệt thự của dự án Nam Thăng Long đang hoàn thiện.

 

Đại diện lãnh đạo Tổng Cty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị UDIC (gọi tắt Tổng Cty UDIC) (một bên tham gia liên doanh với Tập đoàn Ciputra của Indonesia) cho biết, Cty Nam Thăng Long số tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung lên tới 1.400 tỷ đồng.

 

Liên ngành đang đề nghị thu bổ sung tiền sử dụng đất đối với giai đoạn 2 của dự án là hơn 100 ha. Lý do yêu cầu thu bổ sung đó là năm 2005, thành phố đã quyết định thu tiền sử dụng đất của liên doanh giai đoạn 2 là 313 tỷ đồng.

 

Sau đó, các bộ ngành đã xác định 313 tỷ đồng này chỉ là tiền “tạm tính”. Vụ việc sau đó không được giải quyết rốt ráo nên vẫn bị tắc cho đến nay.

 

Cũng theo Tổng Cty UDIC, 1.400 tỷ đồng tiền sử dụng đất của giai đoạn 2 mà liên ngành đề nghị thu bổ sung trong đó chưa bao gồm 313 tỷ mà công ty liên doanh đã nộp nhà nước. Số tiền đề nghị thu thêm mới chỉ tính đối với phần diện tích đất của giai đoạn 2 mà liên doanh đã bán nhà, chưa tính các giai đoạn sau.

“Nếu tính tất cả tiền sử dụng đất các giai đoạn của dự án thì có thể lên tới vài ngàn tỷ đồng” - Đại diện Tổng Cty UDIC nói.

 

“Nếu tính tất cả tiền sử dụng đất các giai đoạn của dự án thì có thể lên tới vài ngàn tỷ đồng”-đại diện Tổng Cty UDIC nói. Cũng theo Tổng Cty này, năm 1995, Tổng Cty UDIC và Tập đoàn Ciputra ký kết hợp tác và đến năm 1996 chính thức được cấp giấy phép đầu tư. Toàn bộ tiền thuê đất trong 50 năm được chuyển thành vốn góp của phía Việt Nam mà Tổng Cty UDIC là đại diện.

Cho đến lần điều chỉnh cuối cùng, dự án có tổng diện tích 301,8 ha đất với giá thuê là 0,85USD/năm/m2. Vốn góp vào liên doanh được tính trong 50 năm là 128,3 triệu USD.

 

Và đây chính là vốn góp của phía Việt Nam vào liên doanh và để xác định quy mô của dự án. Phía nước ngoài là Tập đoàn Ciputra góp 70% vốn bằng tiền.

 

Lượng vốn góp thực tế vào liên doanh được tính cụ thể trên cơ sở bàn giao thực tế ngoài hiện trường. Và khi mà tổng diện tích 301,8ha được giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà đầu tư thì lúc đó số vốn góp của phía Tổng Cty UDIC mới đạt 128,3 triệu USD.
 

Vẫn chưa thống nhất mức thu

 

Việc tính toán của liên ngành thành phố với chủ đầu tư đến nay vẫn chưa ngã ngũ và có nhiều điều khiến các bên còn băn khoăn. Theo đại diện Tổng Cty Đầu tư Phát triển hạ tầng khu đô thị UDIC nếu tính thêm số tiền thu bổ sung lên tới 1.400 tỷ này vào thì toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư gặp khó khăn và phải tính toán lại.

 

Tổng Cty UDIC cho biết: Tính đến 31/12/2012, thành phố Hà Nội đã bàn giao cho liên doanh diện tích là 94,03ha tương ứng với 39.965.202 USD (quy ra tiền VND thì UDIC đang hạch toán trên sổ sách số tiền là hơn 655 tỷ đồng).

 

Giải phóng mặt bằng tại đây rất phức tạp, vướng mắc rất nhiều. Trong khi đó, diện tích đã trả tiền đền bù đã lên tới hơn 200 ha và lớn hơn rất nhiều so với diện tích đất thực tế bàn giao.

 

Tức là toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng cho hơn 100 ha đã trở thành khoản vốn bị đọng từ năm 2005 đến nay, lên tới khoảng hơn 600 tỷ đồng.

 

Tổng Cty UDIC cho hay, nếu phải nộp bổ sung 1.400 tỷ vào thời điểm này, cộng với hàng trăm tỷ đồng bị tắc nhiều năm trong giải phóng mặt bằng thì chủ đầu tư dự án sẽ lao đao! Hiện nay, bên liên doanh yêu cầu phân bổ tiền thuê đất vào trong giá thành để tính tiền sử dụng đất.

 

Trường hợp nhà nước mà thu luôn cả phần vốn góp của Tổng Cty UDIC nằm trong tiền sử dụng đất thì rõ ràng là vốn góp của Tổng Cty UDIC trong liên doanh phải giảm.

 

Tổng Cty UDIC cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố đề nghị tách tiền thuê đất ra khỏi tiền sử dụng đất, tính tiền thuê đất vào chi phí để bảo toàn vốn nhà nước tại liên doanh. Vì nếu tính cả vào để thu thì phía Việt Nam sẽ rơi vào nguy cơ mất hết vốn tại liên doanh.

 

Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, giải quyết vấn đề thu tiền sử dụng đất tại khu đô thị này phải xem xét có tính chất lịch sử và tình hình thực tế.

 

Hiện nay, chủ đầu tư của dự án là Cty Nam Thăng Long đang có ý kiến về vấn đề là phần vốn góp của Tổng Cty UDIC vào liên doanh bằng tiền thuê đất 50 năm. Cũng theo Sở Tài chính, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính.

 

 Một thời gian dài nhà ở Dự án khu đô thị Nam Thăng Long bán cho người dân bị tắc trong cấp sổ đỏ chính là do vướng mắc trong tính tiền sử dụng đất. Ngay cả sổ đỏ cấp cho nhà bán ở giai đoạn I của dự án đến bây giờ mới giải quyết xong cho 2 khu nhà cao tầng...

 

Theo Minh Tuấn

Tiền Phong