Đầu tư ra nước ngoài trên 1 triệu USD phải xin phép

Trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề chuyển ngoại tệ, ông Hồ Hữu Hạnh, Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho biết, tất cả các dự án của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài có vốn từ 1 triệu USD trở lên đều phải xin phép Chính phủ.

Đến nay đã có bao nhiêu doanh nghiệp ở TPHCM đầu tư ra nước ngoài?

 

Các doanh nghiệp thành phố đã đầu tư 25 dự án ở nước ngoài với tổng vốn khoảng 40 triệu USD. Giá trị vốn góp của các dự án theo giấy phép đã được cấp là 33,54 triệu USD. Trong số này 40% dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, 20% kinh doanh phần mềm, 30% công nghiệp xây dựng còn lại là các ngành nghề khác. Dự án lớn nhất có tổng vốn đầu tư là 25,8 triệu USD (trồng cao su ở Lào), dự án nhỏ nhất có vốn 100.000 USD thuộc ngành tin học. Đầu tư của các doanh nghiệp nói chung dàn trải, tùy vào quan hệ của họ với đối tác bên ngoài, không tập trung vào một quốc gia hay khu vực nào.

 

Khi doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, bị gặp những giới hạn gì về quy mô dự án, vốn, thời gian, tuyển dụng lao động?

 

Nghị định 22 ban hành ngày 14/4/1999 cho phép các thành phần kinh tế có đủ năng lực tài chính được đầu tư ra nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nơi xem xét và cấp phép cho các dự án. Thời gian đầu tư dài nhất là 50 năm. Trường hợp các dự án có vốn đầu tư từ 1 triệu USD trở lên phải do Thủ tướng quyết định.

 

Điều quan trọng là lợi nhuận và các khoản thu nhập của doanh nghiệp VN đầu ra ra nước ngoài phải được chuyển về nước chậm nhất 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính. Mọi giao dịch về vốn đầu tư ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận về nước phải thông qua một tài khoản mở tại một ngân hàng đã đăng ký.

 

Một doanh nghiệp như dầu khí cho biết họ khó khăn trong việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đầu tư, Pháp lệnh ngoại hối sắp ban hành liệu có sử đổi những vấn liên quan này không?

 

Hiện chưa có doanh nghiệp nào thuộc ngành dầu khí đăng ký chuyển vốn ra nước ngoài với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TPHCM nên chúng tôi không biết họ gặp khó khăn gì. Riêng việc chuyển vốn ra nước Ngoài, doanh nghiệp chỉ được sử dụng ngoại tệ sẵn có trên tài sản để chuyển. Nếu họ muốn mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại thì phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép. Họ cũng chưa được vay ngoại tệ để đầu tư ra nước ngoài. Theo tôi được biết, Pháp lệnh ngoại hối sẽ ban hành trong tháng 10 tới nhưng có những quy định mới hay không thì còn phải chờ. Bây giờ pháp lệnh mới ở mức dự thảo, tôi chưa thể nói gì thêm.

 

Doanh nghiệp khi ở nước ngoài thường mong mỏi các ngân hàng trong nước mở chi nhánh ở các nước để giúp họ trong giao dịch làm ăn tuy nhiên, các ngân hàng chưa chú ý nhiều đến chuyện này, ông nghĩ sao?

 

Chính phủ đã cho phép 2 đơn vị là Ngân hàng Ngoại thương VN và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển mở chi nhánh ở nước ngoài. Nhưng việc mở chi nhánh ở nước ngoại lại phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Quang trọng nhất là phải tuân thủ luật của nước sở tại cho nên các ngân hàng phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ. Nếu có nhiều doanh nghiệp VN đầu tư hiệu quả ở một nước nào đó và các ngân hàng thương mại nhận thấy có thể mở chi nhánh để giúp họ làm ăn, tôi tin các ngân hàng thương mại sẽ làm.

 

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn