Đầu tư chứng khoán cá nhân vẫn như... đánh bạc

Chu kỳ phục hồi gần 90 điểm của chỉ số chứng khoán (VN-Index) từ đầu tháng 8/2006 trở lại đây có tác động không nhỏ từ các liều thuốc “an thần” của cơ quan quản lý thị trường và doanh nghiệp (DN) niêm yết.

Tuy nhiên, với một thị trường mà phần lớn cổ phiếu (CP) nằm trong tay các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, phổ biến tâm lý mua bán chứng khoán theo kiểu “đánh quả” thì những cơn “sốt nóng”, “sốt lạnh” là điều khó tránh.

 

Xuất hiện xu hướng “bán non”

 

Nguyên nhân cơ bản của đợt mất giá CP kéo dài từ giữa tháng 4/2006 đến cuối tháng 7/2006 được xác định là sự tháo chạy ồ ạt của một bộ phận rất lớn nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường. Làn sóng bán tháo CP để “vớt vát” khoản đầu tư thua lỗ do lỡ mua tại mức giá cao khiến thị trường càng xuống dốc mạnh hơn.

 

Thực tiễn “xương máu” này đã dạy cho các nhà đầu tư bài học kinh nghiệm đầu tiên là phải đánh giá đúng giá trị CP. Tuy nhiên, trong những diễn biến phục hồi tích cực gần đây lại xuất hiện tâm lý “ăn non”, một nguyên nhân khiến giá CP lên xuống đồng loạt theo chu kỳ.

 

Biểu hiện rõ ràng nhất là các phiên giá CP tăng cao thường đi kèm liền sau đó với các phiên giá giảm mạnh. Những biến động giá trên thị trường gần đây cho thấy một lượng CP lớn được bán ra rất sớm chỉ sau một - hai phiên giá tăng. Động thái này càng rõ ràng hơn khi thị trường ở vào thời điểm T+3, tức là ngày làm việc thứ ba sau khi các giao dịch được thực hiện - tiền và CP mới về tài khoản.

 

Các thống kê thị trường cũng thể hiện những biến đổi đảo ngược chóng mặt của cung cầu CP - từ trạng thái chào mua cao gấp nhiều lần chào bán sang trạng thái chào bán ế liên tục khối lượng lớn - chứng tỏ tâm lý lo ngại khả năng tăng giá sớm kết thúc vẫn thường trực. Bài học về sự mất giá vừa qua khiến không ít nhà đầu tư mất phương hướng và thường đầu tư theo lối “ăn ít nhưng chắc”.

 

Xu hướng “bán non” này cũng được hậu thuẫn bởi cách đầu tư ăn theo, hay đầu cơ CP, vốn diễn ra phổ biến ở thời kỳ thị trường tăng trưởng và giá tăng liên tục. Không phủ nhận việc đầu cơ giúp tạo ra khả năng thanh khoản tốt cho thị trường, tuy nhiên đối với một thị trường mà tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân ít kinh nghiệm quá lớn, đầu cơ tạo ra những cơn sốt ảo và các nhà đầu cơ “non tay” thường chính là những người chịu hậu quả nặng nề nhất khi thị trường diễn biến bất lợi.

 

Rủi ro tiềm ẩn

 

Việc đầu cơ CP luôn tiềm ẩn rủi ro vì rất khó xác định giá một loại CP sẽ lên hay xuống trong tương lai. Thông thường, các nhà đầu tư chuyên nghiệp (thậm chí cả đầu cơ) cố gắng xác định mức giá chấp nhận được của CP tại thời điểm dự định mua và tiềm năng tăng trưởng trong một thời hạn nhất định và họ thường mua khi giá thấp, bán khi giá cao. Các biến động tăng - giảm giá hàng ngày ít ảnh hưởng đến quyết định mua bán.

 

Đối với nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, cách thức mua bán lại trái ngược: Mua lúc giá cao và bán lúc giá thấp với hy vọng mua nhanh vì giá sẽ tiếp tục lên để kiếm lời hoặc bán ngay vì giá sẽ còn giảm nữa. Mặt khác, khả năng phân tích tình hình tài chính, hoạt động của DN của nhóm nhà đầu tư này hạn chế nên việc chọn lựa mua CP cũng không chính xác.

 

Một ví dụ điển hình là giao dịch của cổ phiếu BBT trong thời gian tăng trưởng nóng tháng 4/2006 rất lớn và giá CP này được đẩy từ mức 11.000đ lên trên 22.000đ chỉ trong vài tuần. Chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của BBT lên tới trên 100 lần, tức là giá giao dịch hiện tại cao gấp 100 lần mức lợi nhuận mà một cổ phiếu BBT đem lại cho nhà đầu tư. Sau hơn 3 tháng thị trường đi xuống, giá BBT thấp nhất chỉ còn 12.500đ/CP.

 

Đối với những CP của các đơn vị làm ăn hiệu quả, tiềm năng tăng trưởng về dài hạn rất chắc chắn dù trong một vài tháng giá có thể giảm. Nắm giữ những CP này sẽ ít rủi ro hơn nếu thị trường đi xuống vì khả năng phục hồi sẽ nhanh hơn. Việc nghiên cứu, đánh giá giá trị CP cần kiến thức cũng như sự đầu tư đúng mức. TTCK là một loại thị trường bậc cao, không phải là cái chợ dành cho tất cả mọi người.

 

Theo Hoàng Nguyên

Báo Lao động