TS Cấn Văn Lực:

Đầu tư cho quảng bá du lịch của Việt Nam chưa bằng... 3% Thái Lan

Bích Diệp

(Dân trí) - Du lịch Việt Nam nhìn chung vẫn lép vế với khu vực khi mà mức đầu tư quảng bá rất khiêm tốn, khoảng 2 triệu USD/năm, chỉ bằng 2,9% sự đầu tư của Thái Lan, 2,5% của Singapore, 1,9% của Malaysia.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 là đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho sự phát triển các ngành khác, tiến đến năm 2025 đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu toàn ngành đạt 1.700 - 1.800 tỷ đồng, đóng góp 12 - 14% tổng GDP cả nước.

Thực tế, trong những năm qua, trước khi có Covid-19, tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GDP cũng đã ngày càng tăng.

Cụ thể, năm 2015 đạt 6,3%; năm 2016 đạt 6,9%; năm 2017 đạt 7,9%; năm 2018 đạt 8,3% và năm 2019 đạt 9,2%. Trong năm 2020 và 2021 do tác động của dịch Covid-19, đóng góp của ngành du lịch Việt Nam vào GDP bị sụt giảm theo xu hướng chung toàn cầu, lần lượt đạt khoảng 4% năm 2020 và 2,5% năm 2021, vẫn cao hơn mức bình quân của thế giới và châu Á.

 Đầu tư cho quảng bá du lịch của Việt Nam chưa bằng... 3% Thái Lan - 1

Hội thảo du lịch năm 2021 diễn ra ngày 25/12 với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: TITC).

Lép vế so với khu vực

Báo cáo tham luận tại Hội thảo du lịch năm 2021, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho hay, mặc dù ngành du lịch đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác được nhiều tiềm năng và lợi thế, đặc biệt khi so sánh với khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore.

Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành du lịch Việt Nam năm 2019 do Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF tổ chức đánh giá định kỳ 2 năm 1 lần tiếp tục được thăng hạng so với năm 2017 với số điểm đạt 3,9/7 và xếp hạng 63/140 quốc gia, tăng 4 bậc so với hạng 67/140 năm 2017.

Tuy rằng chỉ số năng lực cạnh tranh được cải thiện, xếp hạng tăng song về tổng thể, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu nằm trong Top 30 quốc gia đứng đầu về năng lực cạnh tranh du lịch theo chiến lược phát triển ngành du lịch đến năm 2030 và cũng thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore 4,8/7 điểm, xếp hạng 17, Malaysia 4,5/7 điểm, xếp hạng 29, Thái Lan 4,5 điểm xếp hạng 31, Indonesia 4,3/7 điểm xếp hạng 40.

Điều này cũng phần nào phản ánh qua số lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam năm 2020 ở mức 3,68 triệu lượt khách, thấp hơn Thái Lan (6,7 triệu lượt), Malaysia (4,33 triệu lượt), Indonesia (4,05 triệu lượt).

Không chỉ thua kém về quy mô, cơ cấu khách quốc tế đến du lịch Việt Nam còn chưa đa dạng, chưa có được các nguồn khách chất lượng, chi tiêu nhiều như châu Âu, Mỹ.

Cụ thể khi so sánh với Thái Lan, tỷ trọng khách du lịch quốc tế Châu Á chỉ 61%, trong khi Việt Nam lên tới 72,6%; còn tỷ trọng khách du lịch từ Châu Âu với khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày vào Thái Lan lên tới 31,4% trong khi tỷ trọng này tại Việt Nam lại khá thấp chỉ đạt 18%.

Hệ số lan tỏa của du lịch đến nền kinh tế Việt nam cũng thấp hơn so với bình quân khu vực và thế giới.

Theo tính toán của Hội đồng Du lịch Thế giới (WTTC) tính toán, năm 2017 mỗi 1 USD chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam sẽ tạo ra thêm 0,6 USD thu nhập cho phần còn lại của nền kinh tế thông qua gia tăng nhu cầu gián tiếp của các ngành kinh tế liên kết với du lịch và chi tiêu từ thu nhập tăng thêm của những người lao động trong ngành du lịch.

Nhóm tác giả đánh giá, hệ số lan tỏa GDP du lịch Việt Nam đạt 1,6 lần, tuy nhiên con số này vẫn nhỏ hơn khi so sánh với các quốc gia đang phát triển tại Đông Nam Á với mức bình quân là 2,4 lần và cũng thấp hơn mức bình quân toàn cầu là 3,3 lần.

 Đầu tư cho quảng bá du lịch của Việt Nam chưa bằng... 3% Thái Lan - 2

Tương tự hệ số lan tỏa chi tiêu du lịch đến việc làm của Việt Nam vào khoảng 1,7 lần, thấp hơn khu vực và thế giới lần lượt là 2,5 và 2,6 lần. Điều này hàm ý sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả mối liên kết giữa ngành du lịch với các ngành kinh tế - xã hội khác, để mức độ lan tỏa, tác động gián tiếp của ngành du lịch được phát huy tốt hơn, bền vững hơn.

Ít nhất có 6 lĩnh vực cần quan tâm cải thiện

Theo TS. Cấn Văn Lực, ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm cải thiện ít nhất là 6 lĩnh vực có điểm số thấp, các lĩnh vực còn dưới thứ hạng tổng thể (63/140) và có nhiều chênh lệch với bình quân khu vực để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.

Sáu lĩnh vực đó là: tính bền vững về môi trường du lịch (thứ 121/140), hạ tầng dịch vụ du lịch (106/140), mức độ ưu tiên dành cho ngành du lịch (100/140), vệ sinh và y tế (91/140), hạ tầng đường bộ và cảng (84/140), mức độ sẵn sàng về CNTT-viễn thông (ICT) trong du lịch (83/140).

Trong đó, hạ tầng giao thông chưa phát triển đang là một trong những điểm nghẽn lớn cản trở sự phát triển du lịch Việt Nam.

Hạ tầng giao thông kém, hạn chế khả năng tiếp cận điểm du lịch, mất liên kết vùng; lãng phí thời gian vận chuyển; giảm trải nghiệm sản phẩm du lịch và cuối cùng là giảm tần suất quay lại của du khách quốc tế. Theo các kết quả khảo sát từ năm 2017, chỉ có khoảng 10-20% khách du lịch quay trở lại Việt Nam, thực tế có thể còn thấp hơn (khoảng 5-6%).

Mặc dù tiêu chí nguồn nhân lực và thị trường lao động có thứ hạng trung bình khá (thứ 47/140), nhưng nhóm tác giả cho hay, chất lượng nhân sự du lịch còn khá thấp.

Tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn du lịch còn thấp, số lao động sử dụng thành thạo từ hai ngoại ngữ trở lên còn thấp (chỉ khoảng 30%), số nhân viên sử dụng được các ngoại ngữ hiếm còn quá ít. Đội ngũ nhân lực làm việc trong lĩnh vực quản lý nhà nước còn mỏng (chỉ chiếm khoảng 1,9% so sánh với nhân lực kinh doanh du lịch là 98,1%) và còn thiếu kiến thức, kỹ năng quản lý bài bản.

Những bất cập trên đã có những ảnh hưởng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam còn thấp.

Theo UNWTO, chi tiêu bình quân của 1 khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam chỉ là 930 USD năm 2018, trong khi con số này của các nước trong khu vực cao hơn khá nhiều như tại Trung Quốc là 1.023 USD, Indonesia là 1.225 USD, Philippines là 1.252 USD, Singapore là 1.618 USD và Thái Lan là 1.695 USD.

Một thông tin đáng chú ý là, dù thời gian qua Chính phủ đã tăng cường quan tâm đối với ngành du lịch và muốn phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên khi lượng hóa mức độ ưu tiên chưa cho thấy tính tích cực và hiệu quả.

Cụ thể, mức độ chi ngân sách dành cho ngành du lịch chỉ đạt mức 1,4% tổng chi ngân sách, so với mức của Malaysia là 1,77%, Thái Lan là 2,77%, Philippines là 6,08% và Singapore là 10,25%. Đầu tư cho quảng bá du lịch của Việt Nam còn ở mức rất khiêm tốn, khoảng 2 triệu USD/năm. Con số này chỉ bằng 2,9% sự đầu tư của Thái Lan, 2,5% của Singapore, 1,9% của Malaysia.