1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Đánh thức” tiềm năng du lịch chùa Huế

(Dân trí) - Ở Huế hiện có hơn 400 ngôi chùa và niệm Phật đường, chiếm 1/3 số lượng chùa chiền trên cả nước. Tuy nhiên, liệu văn hóa Phật giáo có thể biến thành một tài nguyên du lịch đầy hấp dẫn trong thời đại ngày nay hay không thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Huế từng được mệnh danh là Kinh đô của Phật giáo xứ Đàng Trong. Thời Nhà Nguyễn chọn Thừa Thiên - Huế làm đất đóng đô thì các chùa tại đây đã phát triển một bước lớn, chỉ đứng sau Thăng Long - Hà Nội bấy giờ.
 
Tuy vậy, dòng văn hóa Phật giáo trong Huế vẫn chưa được nhiều du khách biết đến và am tường. Nguyên nhân chính là do nội dung khai thác của đại đa số hãng lữ hành mới chỉ dừng lại ở việc tham quan cảnh quan, kiến trúc chùa.
 
Độc đáo chùa Huế
 
Gần 30 tham luận đầy tính thực tế, xoáy sâu vào chủ đề “Chùa Huế và Du lịch” đã được nêu ra trong Hội thảo “Di sản văn hóa Phật giáo và vấn đề phát triển du lịch ở Huế” tổ chức ngày 7/5 tại TP Huế.
 
Tại đây, các nhà nghiên cứu đã “cân, đo, đong, đếm” trên rất nhiều khía cạnh với mục đích là: liệu văn hóa Phật giáo xứ Huế có thể biến thành một tài nguyên du lịch đầy hấp dẫn trong thời đại ngày nay hay không?
 
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn, chùa Huế xuất phát có 2 loại: một là những ngôi thảo am nhỏ nhắn giữa chốn núi rừng thâm nghiêm; hai là cổ tự khang trang, vàng son lộng lẫy nhờ sự cúng dưỡng từ vua quan. Nhưng từ không gian, kiến trúc, mô típ trang trí chùa Huế đều hài hòa với thiên nhiên.
 
“Đánh thức” tiềm năng du lịch chùa Huế  - 1
Chùa ở Huế thường được bài trí hòa hợp với thiên nhiên.
 
Vãn cảnh chùa Huế, khách sẽ được thưởng thức những món ăn chay được làm từ chính nguồn rau củ quả trong vườn. Sau bữa ăn sẽ có món tráng miệng như bánh, chè do chính các ni cô hay các thầy tự tay nấu. Sau cùng là ngồi đàm đạo, uống trà và tọa thiền cùng sư trong chùa.
 
Một tour hoàn chỉnh bao gồm: vãn cảnh, ẩm thực, thiền ở chùa Huế theo nghiên cứu của Tôn Nữ Khánh Trang như thế sẽ làm cho du khách cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng và thanh tịnh.
 
Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân cho biết, ngay từ cuối thế kỷ 19, người Pháp đã tổ chức du lịch Trung Kỳ, trong đó chùa Huế được “đặc biệt” chú ý cùng hệ đền đài, lăng tẩm.
 
Trong nhiều sách hướng dẫn du lịch của Marcel Monnier, Ph.Esbérhard (Pháp), thông tin về chùa Huế đã gợi mở nhiều điều kỳ thú cho du khách. Suốt thế kỷ 20, đặc biệt sau ngày Việt Nam thống nhất, chùa là một điểm đến không thể thiếu trong tour tham quan Huế.
 
“Đánh thức” tiềm năng du lịch từ chùa Huế
 
Nhiều ý tưởng được đặt ra như tour “Lễ nhạc Phật giáo Huế” nhằm giới thiệu cho du khách trực tiếp tham dự lễ nghi nhà Phật nhằm trải nghiệm thăng hoa những giá trị nghệ thuật của nhạc Chùa Huế, đem lại sự lắng đọng trong tâm hồn.
 
Hiện tại nhiều tour du lịch như “Du lịch cầu an” do chi nhánh Công ty Thương mại dịch vụ du lịch đường mòn Đông Dương tổ chức đưa khách đến tham quan - đàm đạo - ăn cơm chay chùa Đông Thuyền, Bà La Mật…
 
“Du lịch thiện nguyện” nhằm chia sẻ với các hoàn cảnh trẻ em nghèo, người già không nơi nương tựa tại chùa Đức Sơn, Ưu Đàm đã thu hút được một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến thăm chùa Huế.
 
Hay tour “Tham quan hoạt động thủ công các ni viện” để tận “mục sở thị” tài năng các ni giới chế biến tương, chao, bánh, ngũ cốc, làm hương…
 
“Đánh thức” tiềm năng du lịch chùa Huế  - 2
Mục sở thị các tài năng ni giới làm đồ trang trí cũng là một gợi ý để làm hấp dẫn các tour du lịch về Chùa Chiền.
 
Ông Nguyễn Hữu Thông, trưởng phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế đưa ra gợi ý là nên chăng có tour tham quan chùa cổ nằm ẩn sâu trong các làng?!.
 
“Chùa tại làng sẽ là điểm đến chính, cùng với phong cảnh thuần hậu của làng quê sẽ tạo cơ hội rất lớn cho ngành du lịch phát huy loại hình “du lịch nông thôn”, “du lịch văn hóa dân gian”. Khách sẽ được tự mình khám phá nhiều tiềm ẩn đặc sắc của chùa và làng quê tại Huế”, ông Thông nói.
 
Liên quan đến việc thu hút lượng du khách lớn đến thăm chùa Huế, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng nhấn mạnh: “Nên lấy một lễ hội về phật giáo “nặng ký” nhất tại Huế để làm đòn bẩy đưa khách đến. Có thể nghiên cứu lễ hội Quán Thế Âm (ngày 18,19 tháng 6), biến lễ hội này thành một sự kiện văn hóa - tôn giáo lớn của tỉnh và được tổ chức thường xuyên hàng năm”.
 
Ông Nguyễn Đắc Xuân lại tâm huyết hơn với một đề án “Festival du lịch tâm linh”, trong đó tác giả đã đề ra nội dung, mục đích, thành viên, cách tổ chức để tiến tới có một Festival riêng về Phật giáo 2 năm/lần, tổ chức vào các năm lẻ trong dịp lễ Phật đản (rằm tháng tư).
 

Thống kê từ Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong năm 2009, tỉnh đã đón hơn 1,5 triệu lượt khách du lịch đem lại doanh thu hơn 700 tỷ đồng. Tuy nhiên các loại hình dành cho du khách vẫn chỉ là tham quan danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử. Chùa chỉ là điểm đến phụ nhằm lấp đầy thời gian du lịch của khách.

 
Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm