Đánh thức “cánh đồng vàng”
Sau khi đưa Nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu vào hoạt động, Công ty Olympus Pacific Minerals Inc. tiếp tục xây dựng Nhà máy khai thác vàng thứ 2. Ông Charles Barclay - tổng giám đốc Công ty - cho rằng đang hình thành công nghiệp khai thác vàng tại Việt Nam.
Ông cho biết: Đầu tháng 4/2006, Nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu đi vào hoạt động, Olympus Pacific Minerals Inc. (liên doanh giữa Canada và một số đối tác VN) tiếp tục xây dựng Nhà máy khai thác vàng Phước Sơn ở khu mỏ Dăksa thuộc xã Phước Đức, với vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2007. Cả hai mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn đều thuộc Quảng Nam.
Lượng vàng ở mỏ Phước Sơn được dự báo ở mức 7,2 tấn. Qui mô khai thác ban đầu ở Phước Sơn cũng tương đương giai đoạn đầu ở Bồng Miêu, công suất khoảng 180.000 tấn quặng/năm, sử dụng 300-400 lao động.
Hàm lượng vàng ở Bồng Miêu là 3,85 gam/tấn quặng, hàm lượng vàng ở Phước Sơn cao hơn hàm lượng vàng ở Bồng Miêu gấp năm lần. Tuy nhiên, ở Bồng Miêu chỉ trừ khu mỏ Hố Kẽm là phải khai thác hầm lò, các khu mỏ khác đều khai thác lộ thiên, trong khi ở Phước Sơn hoàn toàn khai thác hầm lò bằng phương tiện cơ giới vì vậy chi phí rất cao.
| |
Ông Charles Barclay. |
Nhưng vì sao đến nay hoạt động khai thác vàng mới được “vận hành”?
Công tác thăm dò mỏ luôn có nhiều khó khăn, tốn kém, nhất là việc thăm dò diễn ra ở rừng sâu, lại trong vùng có thời tiết khắc nghiệt như ở Phước Sơn. Tình trạng khai thác vàng trái phép tồn tại ở đây quá lâu đã khiến nhận thức của nhiều người về hoạt động thăm dò khai thác trở nên sai lệch.
Điều đáng nói hơn là có quá nhiều luật lệ, thủ tục cũng như những qui định trong việc xin cấp phép thăm dò, khai thác khiến chúng tôi tốn kém quá nhiều thời gian.
Chúng tôi từng hi vọng những thủ tục này rồi sẽ được giải quyết sớm hơn nhưng hiện tại vẫn chưa được cải thiện mấy. Phải chờ đến gần ba năm từ khi có giấy phép đầu tư chúng tôi mới có giấy phép khai thác. Chúng tôi vẫn hi vọng sắp tới tình trạng này sẽ được chuyển biến tốt hơn.
Ngành khai khoáng - nhất là khai thác vàng - của VN còn quá non trẻ, vì thế chúng tôi rất thiếu nhân sự cho công việc. Toàn bộ những vị trí chuyên môn cao chúng tôi đều phải tuyển dụng người nước ngoài, họ vừa làm việc vừa phải đào tạo kỹ năng chuyên môn cho các kỹ sư VN để dần thay thế họ.
Chúng tôi mong VN có chương trình đào tạo kỹ sư các ngành khai thác mỏ, luyện kim phù hợp hơn. Công nghệ khai thác vàng ở VN có những dấu hiệu cho thấy sẽ ngày càng phát triển, vì thế phải sớm nghĩ đến việc đào tạo nhân lực.
Sau Phước Sơn, Olympus Pacific Minerals Inc. tiếp tục đầu tư thăm dò trong vùng?
Dự án Phước Sơn và Bồng Miêu chỉ là một phần nhỏ trong “cánh đồng vàng” của VN kéo dài từ Bắc xuống Nam vốn chưa được thăm dò đầy đủ.
Một trong những mục tiêu phấn đấu của Olympus Pacific Minerals Inc. trong mười năm đến là VN sẽ là nơi đặt trụ sở chính của công ty. Đến cuối năm 2009 bộ phận thăm dò sẽ phải đưa các khu mỏ Hố Ráy, Thác Trắng của Bồng Miêu vào sản xuất, phát hiện tối thiểu hai khu mỏ vàng mới.
Theo Huỳnh Văn Mỹ
Báo Tuổi trẻ