Đang điều tra 10 vụ án kinh tế, tham nhũng

(Dân trí) - Từ đầu năm đến nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã thụ lý điều tra 21 vụ, 89 bị can. Qua hoạt động điều tra các vụ án tham nhũng, C46 đã thu hồi được 105,2 tỷ đồng, đạt 35,1% số thiệt hại trong các vụ án tham nhũng đang thụ lý).

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 gửi Quốc hội khóa XIV cho hay, với việc kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, từ đầu năm đến nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã thụ lý điều tra 21 vụ, 89 bị can.

Trong đó, khởi tố mới 3 vụ, 17 bị can; điều tra bổ sung 7 vụ, 45 bị can; tiếp nhận 2 vụ do Hội đồng xét xử Tòa án TP.Hồ Chí Minh khởi tố vụ án (chưa khởi tố bị can). Kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 11 vụ, 51 bị can; hiện đang điều tra 10 vụ, 38 bị can.

Qua hoạt động điều tra các vụ án tham nhũng, C46 đã thu hồi được 105,2 tỷ đồng, đạt 35,1% số thiệt hại trong các vụ án tham nhũng đang thụ lý).

Nhiều vụ đại án kinh tế, tham nhũng đã và đang được đưa ra xét xử
Nhiều vụ đại án kinh tế, tham nhũng đã và đang được đưa ra xét xử

Từ đầu năm, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã tập trung thanh tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời thường xuyên đôn đốc việc thực hiện kết luận, quyết định và kiến nghị xử lý sau thanh tra, kiểm toán. Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách, ngăn ngừa tiêu cực, lãng phí, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Về công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, bản báo cáo cho hay, toàn ngành đã triển khai trên 6.700 cuộc thanh tra hành chính và trên 274.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm trên 135.000 tỷ đồng, hơn 14.600 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 53.300 tỷ đồng và hơn 6.500 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý trên 82.000 tỷ đồng, 7.300 ha đất.

Đồng thời, đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính nhiều tập thể, cá nhân; ban hành gần 139.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 13.000 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 69 vụ, 107 đối tượng; tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, thu hồi, xử lý khác xấp xỉ 3.500 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 75%) và xử lý trên 1.200 ha đất.

Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 67 tỷ đồng, 89 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 1.460 người, kiến nghị xử lý hành chính 532 người (đã xử lý 270 người).

Về phía Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 306 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính hơn 20.400 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu hơn 9.000 tỷ đồng; các khoản giảm chi gần 5.500 tỷ đồng; các khoản phải nộp hoàn trả và quản lý qua NSNN gần 3.500 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm hơn 2.200 tỷ đồng; các kiến nghị xử lý khác khoảng 200 tỷ đồng.

Cơ quan kiểm toán cũng đã kiến nghị các bộ, ngành địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 103 văn bản không phù hợp. Cung cấp 13 hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát. Kết quả thực hiện kiến nghị xử lý tài chính năm 2014 đối với niên độ ngân sách năm 2013 thực hiện đến 15/8/2016 là hơn 14.700 tỷ (đạt 64,3% tổng số kiến nghị).

Bích Diệp