Dân để dứa thối vì bị nhà máy “hành”?!

Nhà máy dứa cô đặc xuất khẩu Nghệ (huyện Quỳnh Lưu) mới đi vào hoạt động được vài năm nhưng năm nào cũng rơi vào tình thế… mất lòng dân. Năm ngoái là việc nhiêu khê trong khâu thu mua sản phẩm và thanh toán. Còn những ngày này thì lại bắt chẹt dân ở khâu làm thủ tục nhập dứa.

Có mặt tại nhà máy dứa ngày 7/7, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là mùi dứa thối bốc ra từ khoảng 100 phương tiện vận chuyển dứa đậu san sát trên con đường trước nhà máy.

Anh Vũ Văn Trường cùng vợ ở đội 4 (Quỳnh Châu) núp dưới một gò đất cạnh chiếc xe bò dứa chất đầy của mình để tránh nắng, nói đầy vẻ sốt ruột: “Vợ chồng tôi đánh xe bò đến đây từ 4 giờ sáng. Chờ đợi mãi, sắp hết ngày rồi mà đã nhập được mô”.

Anh Lưu Văn Truyền cũng ở xã Quỳnh Châu rầu rĩ: “Biết khó lòng nhập được, nhưng chúng tôi vẫn cứ phải chở dứa về đây chờ chực chứ ngồi nhà nhìn trang trại dứa đã chín rộ lại càng khốn khổ hơn”.

Trước cổng nhà máy là nơi tụ tập đông người nhất bởi ai cũng sốt ruột, thập thò mong được đến lượt mình. Anh Hồ Đức Dục ở xã Quỳnh Thắng bức xúc nói: “Địa phương thì hô hào người dân mở rộng diện tích dứa, nhà máy thì làm ăn kiểu này đây”.

Rồi anh quả quyết với chúng tôi: “Mất 3 tiếng đồng hồ cả nhà máy mới giải quyết xong một xe, làm ăn như rùa. Đến hôm nay cả xã tôi đã có 200 ha diện tích dứa bị người dân cuốc bỏ để trồng cây keo, cây lát lấy gỗ cả rồi”. Quả như lời anh Dục nói, chúng tôi theo dõi một chiếc xe vào nhập dứa mà 2 tiếng 40 phút vẫn chưa xong.

Ở đoàn xe đậu phía bắc nhà máy, có khá nhiều xe tải biển số ở Thanh Hoá. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết họ đã chờ ở đây từ 5 ngày nay. Một tài xế nằm trên ca bin tay gác trán bảo: “Dứa thối hết gần nửa, cứ nắng này vài hôm nữa là đổ bỏ thôi”.

Phía nam cổng nhà máy là dãy xe tải đến từ nông trường dứa của Tổng đội Thanh niên xung phong huyện Yên Thành (Nghệ An). Anh Nguyễn Văn Thạch chỉ cho chúng tôi những vũng nước dưới các gầm xe được chảy ra từ dứa bị thối rữa.

Trên thùng xe, nhiều ong, nhặng bu bám. Một số xe công nông, nước dứa thối chảy thành dòng qua kẽ thùng xe, bốc mùi khó chịu. Anh Thạch hậm hực: “Dứa thối nhũn từng giờ, lúc đến lượt được vào nhập thì nhà máy cũng loại bỏ gần hết mất rồi”.

Theo lời một tài xế từ trong nhà máy đi ra, sau khi nhập dứa xong: “ Công nhân tuyển chọn dứa rất thủ công và rườm rà. Họ lựa từng quả từ trên xe xuống".

Cả vùng chỉ có mỗi một quán ăn uống sơ sài nằm trước cổng nhà máy. Suốt những ngày qua những khổ chủ chờ để được nhập dứa chẳng được tắm rửa, không đánh răng. Mỗi ngày còn tiêu tốn không dưới 40 ngàn đồng ăn uống.

Không kiên nhẫn nằm chờ lâu hơn nữa, trong ngày 7/7 đã có 4 xe tải đến từ Thanh Hoá và huyện Yên Thành chở dứa về để… đổ bỏ. Tuy vậy, các phương tiện vẫn không ngừng chở dứa đến rồi… nằm chờ.

Đa số họ là chủ phương tiện được hộ làm dứa thuê, hễ có yêu cầu là chở. Anh Thạch cho biết thêm: “Nằm “chết” như ri là lỗ tiền công. Nếu là dứa của tôi thì tôi đã đổ đi mà về từ lâu rồi”…

Phải nói rằng, từ khi có nhà máy dứa này, hình như người dân trồng dứa chưa bao giờ được vui. Giá dứa chỉ bán được 1000 đồng/kg lại còn phải chịu cảnh nhiễu nhương của nhà máy.

Năm nay, các xã vùng bán sơn địa của Quỳnh Lưu bị hạn hán hoành hành, trên 80% diện tích lúa không sản xuất được. Niềm hy vọng vào cây dứa vốn đã mỏng manh giờ càng mỏng manh hơn.

Tương lai cây dứa nơi này không biết sẽ ra sao khi mà nhà máy có vẻ như muốn hành dân, chứ không phải hợp tác để cùng phát triển.

Theo Tiền phong