1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Dân công sở ăn cơm lề đường, mặc đồ “tái chế”

(Dân trí) - H́ình ảnh "ăn ngon mặc đẹp" bên ngoài, những tưởng dân công sở đứng ngoài cuộc khi giá cả tăng cao. Nhưng thật ra, thành phần vốn mạnh tay cho chi tiêu này bị “đảo lộn” rõ nhất trước biến động kinh tế.

Dập dìu dân văn phòng ăn cơm lề đường

Các quán cơm di động khắp vỉa hè TPHCM như ở đường Hai Bà Trưng (Q.1), Phan Đăng Lưu (Q Phú Nhuận), Miếu Nổi (Q. Bình Thạnh) lâu nay vốn là nơi “độc quyền” của các thành phần lao động tay chân tự do như dân thợ hồ, người bán hàng dạo... Gần đây, hình ảnh dân công sở dập dìu váy áo đến dùng bữa trưa tại những quán cơm này lại trở nên khá phổ biến.

Khó khăn, dân công sở không ngại kết quáncơm bán giá rẻ bán lề đường.

Khó khăn, dân công sở không ngại "kết" quáncơm bán giá rẻ bán lề đường.

Đi cùng 4 đồng nghiệp đến giữ chỗ tại quán cơm nằm ngay lề đường Miếu Nổi (Q. Bình Thạnh), chị Thanh Thủy, nhân viên một ngân hàng có trụ sở ở gần đó cho biết đã hơn nửa năm nay, mọi người trong phòng “kết” quán cơm này. Cơm ở đây đồng giá 20.000 đồng/phần, không bằng một nửa suất cơm văn phòng ở nhà hàng hay quán cà phê, chưa tính tiền nước uống.

“Nếu không có sự kiện gì đặc biệt như sinh nhật, gặp gỡ bạn bè, khách hàng thì ngày nào tôi cũng ăn trưa ở quán vỉa hè thế này. Giá rẻ đã đành mà còn bỏ được thói quen uống cà phê này nọ. Chứ vào nhà hàng, phần ăn và nước uống mỗi bữa bét nhất cũng 60 – 70 ngàn”, chị Thanh lý giải.

Chị nói thêm, trước đây dân văn phòng như chị tốn rất nhiều tiền cho ăn uống vì hay la cà ở các quán lớn. Nếu giữ thói quen đó thì không trụ nổi nên phải tìm cách thay đổi. “Mới đầu ngại đâu dám kéo nhau ra quán vỉa hè nên đành giao cho một người đi mua mang về văn phòng. Giờ thì thấy bình thường”.

Cô Nguyễn Thị Hà, chủ tiệm cơm vỉa hè này khẳng định, trước đây không bao giờ có dân văn phòng đến chỗ mình ăn uống thì gần năm nay, đối tượng khách hàng này ngày càng đông, đã chiếm phân nửa. 

Cô Hà thật tình: “Các cô cậu dập dìu váy áo đến đây nên mình quán mình cũng sáng sủa, lên đời hơn. Ngoài các phần cơm cố định họ thường hay gọi thêm đồ ăn hoặc tô canh chua, khổ qua. Trước bán cho công nhân, thợ hồ mỗi ngày tôi chỉ vào món thôi, còn giờ thì nấu nhiều món đa dạng và cũng kĩ lưỡng hơn”.

Có thể nói, ăn uống là một trong những khoản đầu tiên dân công sở cắt giảm khi khó khăn. Nhiều người bỏ thói quen ăn sáng với tô phở, hủ tiếu 30.000 – 40.000 đồng chuyển sang ăn bánh mỳ, xôi. Việc ăn vặt, la cà ở quán nước đều được họ cắt giảm.

“Ví dụ như thu nhập 5 hay 10 triệu, trước có thể tiêu xông xênh đủ tháng. Giờ giá tăng, hụt ngay thì buộc phải tiết kiệm, thay đổi chi tiêu. Nhiều người nghĩ dân công sở làm việc trong “lồng kính”, chẳng ảnh hưởng gì nhưng vốn chi tiêu nhiều nên họ ảnh hưởng rõ nhất”, Dương Thị Thương, nhà ở Q.9, làm ở văn phòng tại của một nhà máy điện bộc bạch.

Mặc đồ “tái chế”

Dân công sở vốn rất chỉn chu, đầu tư cho hình thức bên ngoài vì môi trường và yêu cầu của công việc. Nhưng trước tình hình bão giá, đến nhu cầu ưu tiên hàng đầu này họ cũng phải thắt lưng buộc bụng hay thay đổi phương thức mua sắm, sáng tạo trong cách ăn mặc sao cho giá trẻ, tiết kiệm nhất. Bởi thực tế, kinh tế khó khăn, nhiều người còn bị cắt giảm lương trong khi giá tăng nên họ cũng phải chi tiêu "eo hẹp" như ai.

Săn đồ giảm giá, tái chế quần áo cũ... là cách nhiều nhân viên văn phòng áp dụng.

Săn đồ giảm giá, "tái chế" quần áo cũ... là cách nhiều nhân viên văn phòng áp dụng.

Chị Dương Thị Thương tiết lộ: “Không có điều kiện để nhiều quần áo nên bọn mình thường “tái chế” một bộ thành nhiều phong cách. Như áo sơ mi trắng khi thì mặc thường, vài hôm sau lại thắt khăn voan hay khoác thêm chiếc ghi lê tạo cảm giác mới cho mình và mọi người. Còn đồ phụ tùng, trang sức cũng chọn hàng rẻ tiền”.

“Điều rất thú vị nhất là trước đây quần áo chỉ mặc một thời gian là mình bỏ đi, giờ mấy chị em thân thiết hay cho nhau đồ cũ lắm. Lâu lâu mình ghé nhà mấy người bạn lại khuân về một đống. Cũ người mới ta mà… tiết kiệm được rất nhiều”, chị Thương khoe.

Hình ảnh dân công sở mua sắm, làm đẹp thường gắn liền với những nơi sang trọng như trung tâm thương mại, spa, salon thì với người trong cuộc, thói quen này đang thay đổi rất rõ. Nhiều người sắm sanh đồ vỉa hè, chợ đêm, hàng giảm giá…; làm đẹp ở những tiệm bình dân hoặc tự chăm sóc sắc đẹp tại nhà cũng như lên kế hoạch cắt giảm nhu cầu mua sắm đến mức thấp nhất.

Phương thức mua sắm được dân văn phòng thay đổi để phù hợp với túi tiền của mình.

Phương thức mua sắm được dân văn phòng thay đổi để phù hợp với túi tiền của mình.

Chủ một gian hàng thời trang tại Trung tâm mua sắm Sài Gòn Square, Q.1 cho biết, khách hàng đến mua sắm tại gian hàng mình tiếp tục giảm từ cuối năm ngoài và không hề có dấu hiệu ngưng lại. Lượng hàng nhập về và doanh thu hiện nay đều giảm gần một nửa so với thời điểm này năm ngoái.

“Nếu tiếp tục ế thế này nhiều khả năng tôi sẽ sớm trả lại mặt bằng. Khách hàng đã cắt giảm mua sắm thì mình có nguồn hàng, giá cả tốt vẫn ế. Đến các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày người ta còn bớt đi thì các lĩnh vực khác còn khó nói lắm”, bà khẳng định.

Các chuyên gia kinh tế cho hay, sức mua giảm chính là dấu hiệu suy giảm kinh tế. Hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ đều gặp khó khăn bắt nguồn từ yếu tố sức mua giảm sút, dẫn đến tồn đọng hàng hóa.

Hoài Nam