Đài Truyền hình Trung Quốc đưa phóng sự về buôn lậu lợn sống từ Việt Nam

(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, ngày 20/11 vừa qua, kênh CCTV13, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa phóng sự về tình hình buôn bán lợn sống từ Việt Nam và Trung Quốc. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, hiện nay, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương Trung Quốc đã vào cuộc điều tra.

Theo kênh CCTV đưa tin hôm 20-11, có tới hơn 15.000 con lợn được đưa từ Việt Nam tới đây mỗi ngày. (Ảnh minh hoạ).
Theo kênh CCTV đưa tin hôm 20-11, có tới hơn 15.000 con lợn được đưa từ Việt Nam tới đây mỗi ngày. (Ảnh minh hoạ).

Cụ thể, theo nguồn tin của Dân trí, các Bộ, ngành: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu vừa nhận được thông tin về tình hình buôn bán lợn qua biên giới Trung Quốc.

Nguồn tin này cho biết, ngày 20/11/2016 vừa qua, kênh CCTV13, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin phóng sự về tình hình buôn bán lợn sống từ Việt Nam vào Trung Quốc với tựa đề: “Buôn lậu lợn sống từ Việt Nam nghiêm trọng: Một ngày hơn chục ngàn con lợn nhập lậu vào Trung Quốc”.

Phóng sự này tường thuật lại điều tra của phóng viên về tình hình buôn lậu lợn sống ở cửa khẩu Ái Điểm (phía bên Việt Nam là cửa khẩu Chí Ma thuộc huyện Lộc Bình, Lạng Sơn). Đường dây buôn lậu gồm có người thu mua phía Việt Nam, thông qua người môi giới phía Trung Quốc bán cho đầu mối thu mua phía Trung Quốc.

Theo phóng sự này, hàng ngày đi qua huyện Ái Điểm có khoảng 100 xe với hơn 15.000 con lợn. Phóng sự cũng phản ánh hiện tượng nhân viên kiểm soát phía Trung Quốc làm ngơ cho các xe này đi qua và thu bảo kê.

Hiện các mạng tin tức Trung Quốc, tin tức Tứ Xuyên đều có phản ứng trước tình hình trên, Văn phòng chống buôn lậu Quảng Tây, ngày 22/11 cho biết đối với những nhân viên bị phản ánh trong phóng sự, các cơ quan liên quan sẽ vừa tiến hành điều tra kỹ lượng vụ việc buôn lậu, vừa tiến hành xử lý việc liệu có nhân viên cơ quan liên quan đến buôn lậu hay không.

Cụ thể, Liên hiệp Uỷ ban Chính pháp, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật sẽ tiến hành giám sát, đốc thúc tại những khu vực trọng điểm trong phòng chống buôn lậu lợn sống và lương thực, đồng thời tiến hành điều tra những vấn đề mà phóng sự phản ánh, sẽ nhất loạt theo quy định của pháp luật, tiến hành truy cứu trách nhiệm để có phản hồi xác đáng của dư luận.

Bước tiếp theo, phía Quảng Tây sẽ tăng cường trao đổi với cơ quan ngoại sứ của phía Việt Nam, thiết lập sự phối hợp chấp pháp chặt chẽ giữa các cơ quan như hải quan, công thương, biên phòng, công an, chia sẻ thông tin, tiếp tục làm tốt công tác ngăn chặt tại các tuyến đường, tăng cường kiểm soát tại các cơ sở giết mổ.

Liên quan đến vụ việc nêu trong phóng sự, chính quyền thành phố Cung Lai, tỉnh Tứ Xuyên cho biết thành phố rất coi trọng thông tin trong phóng sự. Thành phố này đã tổ chức đội chấp pháp gồm đại diện cục giám sát và quản lý thị trường, cục nông lâm tiến hành kiểm tra đột xuất trong đêm đồng thời bày tỏ sẽ điều tra triệt để nếu công ty bị phản ánh trong phóng sự là Kim Trung Tứ Xuyên có hành vi vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Cơ quan ngoại giao của Việt Nam đề nghị các cơ quan, UBND các tỉnh phối hợp nắm thông tin, lưu ý các tổ chức, cá nhân trong nước tuân thủ các quy định pháp luật của hai nước và chủ động kế hoạch trong hoạt động buôn bán qua biên giới, tránh việc các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương Trung Quốc xử lý gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam.

Phương Dung