Đại gia thoái vốn

Cổ phiếu luôn có chủ, vì vậy khi người này thoái thì người khác mua vào. Điều quan trọng là giá bán và tỉ suất sinh lời như thế nào

Trong thời gian qua, nhiều đại gia và tổ chức đã thoái vốn mạnh tại ngân hàng nhằm tránh thua lỗ, thu hồi vốn trả nợ hoặc cơ cấu lại danh mục đầu tư, làm cho cổ phiếu ngân hàng từ “vua” trở thành “thường dân”.

 

Cổ phiếu ngân hàng ế ẩm

 

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Sài Gòn Invest Group, vừa qua đã thừa nhận với báo giới: “Nếu không dính vào ngân hàng, chúng tôi không khổ như hiện nay”. Đó cũng là lý do khiến ông cũng như một số đơn vị có liên quan đến ông đều đã thực hiện thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank). Cụ thể, Công ty CP Khu đô thị và Công nghiệp Kinh Bắc (KBC) đã bán 26,55 triệu cổ phiếu, tương đương 8,85% vốn điều lệ Western Bank.

 

Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM (Ảnh chỉ có tính minh họa).
Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM (Ảnh chỉ có tính minh họa).

 

Nhiều đại gia, tổ chức khác cũng liên tiếp thoái vốn tại ngân hàng “ruột” của mình. Gia đình ông Đặng Văn Thành, người đã gầy dựng và gắn bó từ lâu với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB), đã thoái vốn dần khỏi ngân hàng này. Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đã bán hơn 9,7 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB), chỉ còn nắm giữ khoảng 48,5 triệu đơn vị (chiếm 3,93% vốn điều lệ).

 

Một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí…  cũng sẽ thực hiện thoái vốn tại những ngân hàng mà trước đây họ đầu tư để thu hẹp vốn ngoài ngành. Việc thoái vốn hàng loạt trong giai đoạn kinh tế suy thoái như hiện nay rất khó khăn, càng khiến thị trường cổ phiếu ngân hàng thêm ế ẩm.

 

Bất khả kháng nên mới thoái vốn

 

Thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu ngành ngân hàng nói riêng có nhiều biến động, giá giảm mạnh khiến nhà đầu tư ôm cổ phiếu phải đau đầu. Cổ phiếu Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã lao từ hơn 25.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới 15.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu EIB giảm từ hơn 18.000 đồng/cổ phiếu xuống còn hơn 14.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu STB cũng giảm từ hơn 23.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 18.000 đồng/cổ phiếu….

 

Bà Huỳnh Thùy Linh, một nhà đầu tư, cho biết vì không biết giá cổ phiếu ngân hàng rơi thê thảm đến vậy nên đã mua vào cổ phiếu của Tập đoàn Đại Dương (OGC) với giá 13.000 đồng, ai dè chưa đầy một tháng, giá xuống còn hơn 8.000 đồng. Không riêng bà Thùy Linh mà hiện tại, nhiều nhà đầu tư cũng đang có tâm lý ngại “ôm” cổ phiếu ngân hàng vì sợ rủi ro giảm giá và nhiều lý do khác đến từ khủng hoảng.

 

Trong quý III năm nay, trừ một vài ngân hàng có lợi nhuận tăng (như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)), các đơn vị khác đều có lãi tăng ít hoặc thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm trước. Tính chung toàn ngành ngân hàng, quý III năm nay lợi nhuận bị giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay cổ phiếu ngân hàng trở nên ế ẩm. “Tuy nhiên, cổ phiếu luôn có chủ, vì vậy khi người này thoái thì người khác mua vào. Điều quan trọng là giá bán và tỉ suất sinh lời như thế nào. Chỉ vì khó khăn bất khả kháng nên đại gia mới phải thoái vốn” - một chuyên gia tài chính khẳng định.

 

Theo Gia Cát

NLĐ