Đại gia phòng thân: Tiền tươi đầy túi
Trong thời buổi khó khăn, nhiều ông lớn không còn ham đầu tư nóng vào tài chính, BĐS mà quay ra tích tiền mặt. Đó là tâm lý thận trọng, phòng thân của các đại gia dù nguồn tiền vào ổn định.
Những ông vua tiền mặt
Năm 2012, Vinamilk (VNM) có doanh thu tăng 23% so với năm trước lên 27.100 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 5.820 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2011. Lợi nhuận/cổ phiếu (EPS) năm đạt gần 7.000 đồng/cp.
Vinamilk cũng thuộc số ít DN không dùng đòn bẩy tài chính, không phải đi vay vốn ngân hàng. Thậm chí, tính tới cuối 2012, DN còn có hơn 4.200 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm, trong đó hơn 2.900 tỷ đang để dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm trong mục "đầu tư ngắn hạn". Hơn 4.000 tỷ nợ phải trả đa phần là các khoản phải trả người bán, thuế phải nộp và chi phí phải trả khác.
Đến cuối 2013, TCT Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) dù số dư tiền của đại gia này giảm gần 1.600 tỷ so với đầu năm nhưng vẫn còn rất lớn, tới 4.070 tỷ đồng. Đây là con số mơ ước đối với cả các ngân hàng, các doanh nghiệp lớn đang ngập trong khó khăn.
Gần đây, DPM đã bán thành công hơn 2 triệu cổ phiếu quỹ thu về hơn 100 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc lượng tiền của DPM sẽ tăng lên.
Một DN niêm yết trên sàn khác là BMP của Nhựa Bình Minh có quỹ đầu tư phát triển lên tới 618 tỷ đồng, quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 228 tỷ đồng. Đây là những con số rất lớn so với mức vốn 350 tỷ đồng của BMP.
Đặc biệt, Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) có số dư tiền và các khoản tương đương tiền tính tới cuối 2012 lên tới gần 11.400 tỷ đồng - ngang ngửa quy mô vốn của một NH cổ phần tốp đầu tại Việt Nam.
Một số công ty quy mô vốn nhỏ nhưng lượng tiền mặt nắm giữ lại gấp nhiều lần như: Cao su Đồng Phú (DPR) có lượng tiền đút dưới gối gấp tới 3,5 lần vốn điều lệ; Nam Bảy Bảy (NBB) có thặng dư vốn hơn 400 tỷ đồng; Thực phẩm Yên Bái (CAP) có quỹ lợi nhuận chưa phân phối cao hơn vốn điều lệ; Cao su Tây Ninh (TRC) có quỹ đầu tư phát triển 688 tỷ đồng, quỹ lợi nhuận chưa phân phối gần 300 tỷ đồng và quỹ dự phòng tài chính 60 tỷ đồng....
Đây thực sự là các "ông vua tiền mặt", đều làm ăn rất tốt trên TTCK, có tỷ lệ lợi nhuận/cổ phiếu thuộc tốp cao nhất trong số hơn 700 doanh nghiệp niêm yết. Nhiều doanh nghiệp lãi đến cả nghìn cho tới vài nghìn tỷ đồng trong năm vừa qua như GAS, VNM, DPM, VIC, FPT, MSN...
Cầm tiền chắc ăn
Việc hàng loạt các doanh nghiệp thận trọng giữ tiền mặt trong bối cảnh hiện nay có lẽ không có gì là lạ bởi hầu hết các thị trường đầu tư đều đang gặp khó khăn. Không những thế, những tấm gương của một số DN rơi vào tình trạng mất thanh khoản, không có tiền để hoạt động do mở rộng đầu tư và vay quá nhiều như THV, SHN, STL... càng khiến các DN cẩn trọng hơn.
Rất nhiều DN lớn trên sàn chứng khoán đã vướng vào quá nhiều dự án, qua đó gánh những khoản nợ khổng lồ so với sức lực của mình, thậm chí còn lấy vay ngắn hạn đầu tư cho dài hạn với hàng dài các dự án dàn trải. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn còn đang xoay sở trong khó khăn cho tới bây giờ như: Tập đoàn Thái Hòa, Đầu tư xây lắp dầu khí Sài Gòn, Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Tập đoàn Mai Linh, Hàng Hải Đông Đô, Constrexim Holdings, Itaco, Công trình Giao thông 584...
Tất cả các DN này đều có số nợ tính bằng ngàn tỷ và nhiều trong số đó thua lỗ nặng, đối mặt với tình trạng mất thanh khoản trầm trọng như PSG với món nợ phải trả gấp hơn 60 lần vốn chủ sở hữu, thiếu hụt vốn lưu động hơn 280 tỷ đồng.
Nếu so sánh giữa hai nhóm với lượng tiền mặt đối lập nhau nói trên có thể thấy các DN "khá giả" thường hoạt động tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi của mình, trong khi đó nhóm "chạy ăn từng ngày" thì ngược lại, hoạt động dàn trải với rất nhiều dự án.
Về mặt lý thuyết, việc giữ quá nhiều tiền mặt sẽ khiến cho hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp giảm sút, lợi nhuận mang về không được tối ưu. Vì thế, các doanh nghiệp thường dùng đòn bẩy tài chính, vay vốn ngân hàng để nâng cao lợi nhuận cho cổ đông của mình.
Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy, các doanh nghiệp có hiệu quả cao lại chủ yếu là các đơn vị ít vay vốn NH. Họ tự chủ bằng nguồn vốn của mình và hoạt động tập trung trong mảng kinh doanh cốt lõi. Việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh được tính toán khá cẩn thận và cũng không lấn sân sang các lĩnh vực khác.
Cho dù gửi ngân hàng hơn 4.200 tỷ đồng nhưng Vinamilk không chỉ đút tiền dưới gối. Năm 2012 doanh nghiệp này đã chi hơn 3.300 tỷ xây 2 "siêu nhà máy" sữa để mở rộng kinh doanh. Còn GAS là một DN rất lớn và vay cũng rất khủng (tổng nợ hơn 16.300 tỷ đồng). DN này luôn có chi phí tài chính lớn nhưng GAS vẫn có những nguồn thu ổn định từ hoạt động tài chính qua các năm, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lãi tiền gửi, cho vay.
Với lãi suất khá cao 8%/năm (trên thực tế có khi còn lên tới 11-12%/năm), gửi tiền NH được xem là một lựa chọn khá tốt, vừa đảm bảo tính thanh khoản cho doanh nghiệp vừa thu về một khoản lãi tương đối. Nó càng trở nên là một lựa chọn tốt trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, đầu tư vào đâu cũng thấy khó khăn thu lời.
Thực tế cho thấy, việc vay vốn quá nhiều và đầu tư dàn trải để lại những hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả mà nhiều doanh nghiệp đã và đang phải giải quyết là rất to lớn và rất nhiều các doanh nghiệp khác rút kinh nghiệm để tránh bước tiếp vào vết xe đổ.
Ngược lại, việc nắm giữ quá nhiều vốn mà không thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh có thể sẽ khiến các DN chậm bước phát triển. Nền kinh tế theo đó cũng khó lòng tăng trưởng. Nhìn dưới góc độ đó, đây có phải là một thực tế cũng đáng lo ngại, dấu hiệu của một nền kinh tế đình trệ?
Theo Mạnh Hà
VEF