Đại gia bỏ trăm tỷ để củng cố quyền lực

Có rất nhiều ông chủ DN lớn rất trung thành với cổ phiếu DN con đẻ của mình. Họ sẵn sàng bỏ tiền mua vào kể cả khi DN lãi hay lỗ. Điều này góp phần củng cố vị thế, quyền chi phối ở DN và phần nào tạo thêm niềm tin cho cổ đông khác.

Lãi mua, lỗ cũng mua

 

Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) vừa cho biết, ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch kiêm tổng giám đốc HVG đăng ký mua 200.000 cổ phiếu HVG trong khoảng thời gian từ 16/9-25/10 để nâng lượng cổ phiếu nắm giữ từ 43,14 triệu cổ phiếu (tương đương 35,95%) lên 43,34 triệu cổ phiếu (36,1%). Trước đó hai tháng, ông vua cá tra Dương Ngọc Minh đã có 2 lần mua tổng cộng 300.000 cổ phiếu.

 

Hiện tượng "vua" cá tra liên tiếp nâng tỷ lệ sở hữu tại DN con ruột của mình cho dù đã nắm tỷ lệ rất lớn trên 35% với trị giá tới gần 900 tỷ đồng khiến nhiều NĐT đặt ra câu hỏi: triển vọng của HVG nói riêng và ngành thủy sản nói chung có gì nổi bật hay không, hay do tâm lý ưu ái đứa con ruột của mình, không để ý đến khó khăn chung của ngành?
 
Đại gia bỏ trăm tỷ để củng cố quyền lực

 

Giới đầu tư hẳn không thể quên những lần đại gia Đoàn Nguyên Đức bỏ ra cả trăm tỷ đồng để mua vào cổ phiếu, bất chấp TTCK nói chung và HAG của đại gia này nhiều lúc không thuận buồm xuôi gió, liên tục đi xuống.

 

Báo cáo quý II cho thấy, bầu Đức và gia đình vẫn chiếm gần nửa cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Tính riêng bầu Đức đang sở hữu 311,6 triệu cổ phiếu HAG, tương đương 48,32% cổ phần HAG, trị giá hơn 6.200 tỷ đồng và là người giàu thứ 2 trên TTCK Việt Nam.

 

Cũng như vua cá tra Dương Ngọc Minh, bầu Đức duy trì được tỷ lệ sở hữu cổ phiếu cao như vậy là do dường như ông không có thói quen bán ra cổ phiếu của mình mà chỉ thuận một chiều mua vào. Kể từ ngày HAG lên sàn, DN này đã có nhiều đợt phát hành riêng lẻ cho các cổ đông chiến nhưng tỷ lệ sở hữu của bầu Đức không bị giảm mạnh (từ mức 54,37% hồi cuối 2008) chính là nhờ nhiều lần mua thêm cổ phiếu.

 

Một doanh nhân thuộc tốp đầu trong ngành tôn thép là ông Nguyễn Thanh Nghĩa cũng say đắm với cổ phiếu DTL (CTCP Đại Thiên Lộc) của mình. Cho dù đang cùng gia đình nắm giữ hơn 75% cổ phần của Đại Thiên Lộc, với giá trị thị trường đạt hơn 450 tỷ đồng, nhưng ông Nghĩa vẫn liên tục đăng ký mua vào.

 

Gần đây, ông Nghĩa đã đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phần (dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian 11/9-10/10) để tăng tỷ lệ sở hữu. Hiện tại, đại gia lớn trong lĩnh vực tôn ở khu vực miền Đông Nam Bộ với doanh thu xấp xỉ 1.600 tỷ đồng này đang nắm giữ 44% vốn. Nếu mua thành công, ông Nghĩa sẽ nắm giữ hơn 21,6 triệu cổ phần (tương đương 46,1%).

 

Suốt từ cuối 2012, chủ tịch Đại Thiên Lộc đã 5-7 lần đăng ký và mua thành công cổ phiếu DTL với mỗi lần giao dịch từ vài trăm cho tới cả triệu cổ phần.

 

Hồi tháng 7, đại gia ngành nhựa là ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP nhựa Rạng Đông (RDP) cũng đã mua thành công 470.000 cổ phần sau khi mua hơn 2 triệu cổ phần trước đó để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 24,7%.

 

Trong nhiều năm qua, không hiếm các doanh nhân thuộc tốp những người giàu có nhất trên TTCK không có khái niệm bán cổ phiếu bất chấp thị trường biến động lên xuống thất thường, doanh nghiệp có lúc gặp khó hay triển vọng ngành đen tối trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

 

Các trường hợp như ông Trần Đình Long (chủ tập đoàn Hòa Phát), ông Phạm Nhật Vương (người giàu nhất trên sàn chứng khoán và là ông chủ Vingroup), ông Lê Phước Vũ (Tập đoàn Hoa Sen), ông Hồ Hùng Anh, ông Trường Gia Bình (FPT)... là như vậy.

 

Củng cố vị thế, gia tăng quyền lực

 

Hiện tượng lãnh đạo của các doanh nghiệp niêm yết gần đây đăng ký mua vào cổ phiếu diễn ra khá phổ biến. Đây là một trong các tín hiệu cho thấy, nhiều khả năng các doanh nghiệp đã qua thời kỳ khó khăn nhất và có thể phục hồi, phát triển trong thời gian tới.

 

Trong trường hợp HAG, nhiều người cho rằng HAG chạm đáy khó khăn. Trước đó, DN này vác trên vai một gánh nợ rất lớn tới hàng chục nghìn tỷ trong khi doanh thu ngày càng bị thu hẹp.

 

Không ít lần bầu Đức đã mua cổ phiếu vào ở mức giá cao và cái lợi có lẽ chỉ là giúp ông duy trì được tỷ lệ sở hữu cao tại HAGL và duy trì tâm lý ổn định cho các cổ đông nhỏ lẻ.

 

Cổ phiếu HAG vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT lớn là các tổ chức. Khối ngoại vẫn đang nắm giữ một tỷ lệ lớn cổ phiếu này. Tuy nhiên, Hoàng Anh Gia Lai có tái cấu trúc thành công và phát triển lên một tầm cao mới hay không và bầu Đức có "thủ thế" thành công với cổ phiếu HAG hay không vẫn phải chờ thời gian trả lời.

 

Những thương vụ mua vào cổ phiếu HVG của ông vua cá tra Dương Ngọc Minh trong vài tháng qua nếu xét về mặt đầu tư ngắn hạn, tính theo giá cổ phiếu thì chắc chắn là thua lỗ. Giá cổ phiếu này giảm khá nhiều kể từ tháng 7 cho tới nay, từ mức gần 28.000 đồng xuống chỉ còn hơn 20.000 đồng/cp. Tuy nhiên, xét về dài hạn chưa hẳn ông chủ này đã hớ.

 

Trong 6 tháng đầu năm, HVG lãi ròng hơn 230 tỷ đồng, tăng trưởng 27%. Doanh nghiệp này gần đây liên tục mở rộng quy mô thông qua việc nâng dần tỷ lệ sở hữu tại các công ty liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi và thực phẩm. Và điều quan trọng hơn, có lẽ ở chỗ, HVG đang tham vọng mục tiêu đẩy mạnh nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản để tới trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong ngành ở Đông Nam Á có doanh số 1 tỷ USD.

 

Tất cả vẫn chỉ là kế hoạch. Niềm tin của các doanh nhân vào doanh nghiệp của mình vẫn là một điều đáng mừng.

 

Ở một góc độ khác, một số trường hợp, việc mua bán diễn ra liên tục khiến giới đầu tư nhìn nhận các ông chủ như đang đắm đuối vào mảng đầu tư tài chính. Trong bối cảnh thị trường chưa thực sự phát triển, thông tin nhiều khi nhiễu loạn, tính minh bạch chưa cao, và biến động trên thị trường là rất lớn thì lợi nhuận cho những người trong cuộc quả thực rất khủng. Không ít các cổ đông lớn đã lướt sóng cổ phiếu của chính mình ở quy mô lớn trong nhiều năm qua.

 

Theo Huấn Tú

VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm