Đại biểu Quốc hội lo tạo ra nhiều Vũ "Nhôm" trong cổ phần hoá

(Dân trí) - Nói về cổ phần hoá, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, có hiện tượng để đó cho giảm khấu hao, cho rẻ, để mua lại cũng như cài cắm một số nhân sự vào doanh nghiệp. Chỗ này dẫn tới lo ngại có thể tạo ra “Vũ nhôm” khác.

Tham gia thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội tại Nghị trường Quốc hội sáng nay (27/10), Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban dân nguyện ví nền kinh tế giống như một bức tranh dù đẹp nhưng vẫn có những vết nhám.


Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lo ngại quá trình cổ phần hoá sẽ tạo ra nhiều Vũ Nhôm

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lo ngại quá trình cổ phần hoá sẽ tạo ra nhiều Vũ "Nhôm"

Bịt lỗ hổng trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước

Ông cũng chỉ ra rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân còn nhiều vướng mắc, rào cản, chưa đảm bảo công bằng.

Đại biểu Nhưỡng dẫn ví dụ tới trường hợp vướng mắc đối với một doanh nghiệp Thanh Hoá, bản thân ông đã 2 lần báo cáo Thủ tướng nhưng địa phương vẫn không thực hiện điều chỉnh. Hay một ví dụ khác là doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Việt Hưng, 3 Bộ đều xác nhận họ làm ăn tốt, đảm bảo môi trường và công nghệ nhưng tỉnh vẫn không đồng ý cho dự án đầu tư khoảng 700 tỷ đồng của họ.

"Một cựu chiến binh khi về kinh doanh từng nói với tôi rằng: 'Ngày xưa chúng tôi đánh Mỹ như thế mà giờ làm ăn sao khó khăn như vây'. Có thể nói rào cản là rất lớn", ông Nhưỡng cho biết.

Đáng lưu ý, trong phần phát biểu của mình, ông Nhưỡng có nhắc tới quá trình cổ phần hóa và tỏ ra quan ngại trước thực tiễn năm 2018 chỉ thoái vốn được 18 trong số 85 doanh nghiệp trong kế hoạch. Trong khi đó, đối với 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương, ông đánh giá quá trình xử lý vẫn giậm chân tại chỗ.

"Đi khảo sát xơ sợi Đình Vũ, mỗi tấn xơ sợi lại lỗ, hiện mỗi năm hết 550 tỷ đồng tiền khấu hao. Có cần thiết giữ lại hay không? Hay dự án gang thép Thái Nguyên, đã có chỉ đạo của nhiều ngành, nhưng kiên quyết không cổ phần hóa. Với số dự án thua lỗ lớn như vậy, dự án nào kém hiệu quả thì nên cho phá sản ngay. Còn dự án nào bán được, cho thuê được thì đẩy nhanh tốc độ xử lý, tránh thất thoát vốn Nhà nước.

Đại biểu Nhưỡng cũng cảnh báo: "Có hiện tượng để đó cho giảm khấu hao, cho rẻ, để mua lại cũng như cài cắm một số nhân sự vào doanh nghiệp. Chỗ này có thể tạo ra “Vũ nhôm” khác".

"Cần có ngay thể chế, chính sách bịt lỗ hổng trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, cần tăng cường quá trình kiểm toán. Nếu không tăng cường kiểm toán thanh tra sẽ thất thoát rất nhiều. Cũng tăng cường tư pháp, như bà đỡ của nền kinh tế", ông nói.

Sắp đưa 2 dự án ra khỏi danh sách đại dự án thua lỗ

Giải trình về xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, quá trình này đang được triển khai tích cực, toàn diện đồng bộ, theo lộ trình năm 2018 – 2019 sẽ xử lý tương đối toàn diện những tồn tại để kết thúc vào năm 2020.

Người đứng đầu ngành công thương cho biết, trong quá trình xử lý 12 dự án này có 3 quy tắc lớn phải đảm bảo là" các dự án này phải giải quyết trong khuôn khổ luật pháp, đảm bảo đúng nguyên tắc thị trường, không có chuyện bơm thêm vốn, đảm bảo tính tự chủ và phù hợp hội nhập quốc tế.

“Quá trình xử lý đã có sự phối hợp chặt chẽ các bộ ngành, đến nay tiến độ đã đảm bảo, đạt được kết quả tương đối”, Bộ trưởng cho biết.

Cụ thể, 6 dự án phải dừng kinh doanh trước đây thì đến nay đã có 2 dự án là thép Việt Trung và dự án ở Hải Phòng hoạt động hiệu quả, không còn lỗ nữa.

“Bộ sẽ sớm báo cáo Chính phủ đưa 2 dự án này ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, để khắc phục bền vững hơn, và phải đảm bảo tính hiệu quả. 4 dự án còn lại cũng đã bắt đầu giảm lỗ” – Tư lệnh ngành công thương thông tin trước Quốc hội.

Ngoài những dự án trên, 3 dự án nhà máy nhiên liệu sinh học đang bắt đầu khôi phục, những dự án gặp vấn đề liên quan đến quản lý thì đã có sự tham gia vào cuộc của Bộ Công an.

“Tất cả những nội dung này làm đồng bộ, kể cả xem xét đến pháp luật, hình sự”, ông nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định tái cơ cấu đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ và bộ đã có đề án tái cơ cấu. Thời gian tới, Chính phủ có chỉ đạo đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế.

"Trong đó, vấn đề chiến tranh thương mại Mỹ- Trung không chỉ là vấn đề thương mại nữa, mà còn là câu chuyện địa chính trị, nên có nhiều hệ lụy. Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và các bộ ngành có nghiên cứu, phối hợp thường xuyên, có kiến nghị chỉ đạo để khai thác tốt cơ hội, và hạn chế tối đa các hệ lụy”, ông nói thêm.

Phương Dung

Đại biểu Quốc hội lo tạo ra nhiều Vũ "Nhôm" trong cổ phần hoá - 2