Đại biểu - doanh nhân lạc quan hay bi quan về kinh tế?

Không phải doanh nghiệp sắp phá sản là kinh doanh kém hiệu quả, nếu không có giải pháp tích cực hơn thì phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không còn tồn tại…

Dẫu được tô đậm trong bức tranh chung của nền kinh tế, song khó khăn của doanh nghiệp nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung được chính người trong cuộc là các doanh nhân “mổ xẻ” vẫn có sức thu hút riêng tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách của Quốc hội cuối tuần qua.
Đại biểu - doanh nhân lạc quan hay bi quan về kinh tế? - 1
Đại biểu Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư U&I tại diễn đàn Quốc hội.

Điều này, còn bởi một kỳ vọng, rằng phát biểu của các doanh nhân, đồng thời là đại biểu Quốc hội, chắc hẳn không chỉ dừng lại ở những giải pháp tháo gỡ khó khăn riêng cho các doanh nghiệp.

Đa số dở sống, dở chết

Đại biểu Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư U&I

Hướng về tương lai tôi không lạc quan lắm với tình hình kinh tế thế giới sắp đến và triển vọng tăng trưởng.

Bất ổn xảy ra ở nhiều nơi, các chuyên gia kinh tế của các định chế tài chính lớn gần đây đã nhận định rằng thế giới khó tránh khỏi một cuộc khủng hoảng kép. Cơ may tăng trưởng của chúng ta trong thời gian gần với tình hình của các thị trường chính như vậy theo tôi khá mong manh.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng tạo việc làm lớn nhất của chúng ta đã phải chịu quá nhiều khó khăn trong suốt ba năm qua và đặc biệt trong năm nay. Đã có rất nhiều phân tích về việc này và tôi không muốn lặp lại.

Chúng tôi chỉ mong Chính phủ nhìn thẳng vào thực trạng là đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa này đang ở trong tình trạng dở sống, dở chết. Nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn, nếu không giảm được lãi suất xuống dưới 15% một năm và lạm phát xuống dưới 10% một năm thì tôi e rằng phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế.

Nguy cơ phá sản, không hẳn vì kinh doanh kém

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Quốc Thắng

Trong tình hình kinh tế khó khăn thời gian qua, 9 tháng đầu năm đã có hơn 48.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. Có ý kiến cho rằng, trong khó khăn là lúc để thị trường chọn lựa lại những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, các doanh nghiệp hoạt động yếu kém sẽ bị đào thải.

Trên thực tế, không phải những doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản đều do kinh doanh kém hiệu quả, có những doanh nghiệp trong nhiều năm liền hoạt động có lãi, có uy tín đối với khách hàng, có thị trường ổn định nhưng do chi phí đầu vào tăng đột biến, lãi suất vay tín dụng cao trong khi thị trường đầu ra bị chững lại bởi tác động khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới.

Cùng với đó là việc khó tiếp cận các nguồn vốn vay để giải quyết các chi phí của doanh nghiệp. Theo tôi các doanh nghiệp này chưa hẳn đã làm ăn kém hiệu quả.

Tài sản của một doanh nghiệp không chỉ là những giá trị hiện vật hữu hình ghi trên sổ sách, nó còn là những giá trị vô hình, là tài sản trí tuệ như nhãn hiệu, bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nguồn nhân lực, các bí quyết và phương thức kinh doanh, uy tín và các mối quan hệ trong kinh doanh cũng như thị phần của doanh nghiệp. Tổng kết giá trị tài sản này nếu tính toán thì lớn và có thể lớn nhiều hơn so với các khoản nợ, các khoản vay mà doanh nghiệp đang cần huy động để tiếp tục hoạt động.

Tôi xin đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ vốn có chọn lọc cho các doanh nghiệp đã có nhiều năm sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có thương hiệu, có thị trường phát triển ổn định, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động vì nguồn vốn này sẽ đem lại hiệu quả về yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội. Phải có cách thức làm sao để nguồn vốn hỗ trợ đánh trúng đối tượng doanh nghiệp thuộc diện hưởng chính sách mới phát huy hết tính hiệu quả của nó.
 
Thắt chặt tiền tệ vượt quá kế hoạch?

Đại biểu Thân Đức Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5

Dưới góc độ một doanh nghiệp, tôi ủng hộ cần phải tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, đặc biệt trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu với nền kinh tế khu vực.

Việc Chính phủ lựa chọn 3 lĩnh vực ưu tiên để tái cơ cấu ngay trong năm 2012 là phù hợp với thực tiễn yêu cầu. Để thực hiện được các vấn đề này tôi có 3 kiến nghị như sau.

Một, sau 8 tháng thực hiện nghị quyết của Chính phủ, bên cạnh tác động tích cực cần đánh giá đúng mức những tác động phụ của nó như doanh nghiệp khát vốn, mất cân đối cung-cầu trên thị trường vốn thể hiện qua lãi suất. Nghị quyết 11 đã xác định trong năm 2011 dư nợ tín dụng dưới 20% và cung tiền tăng 15-16%. Nhưng đến nay dự báo cả hai tiêu chí chỉ đạt khoảng 12-12,5%. Phải chăng sự thắt chặt tiền tệ vượt quá kế hoạch cân đối vĩ mô Chính phủ đã hoạch định từ đầu năm.

Hai, chính sách kinh tế tài chính mang ý nghĩa định hướng đầu tư hoạt động của doanh nghiệp, mục tiêu kinh tế của Nhà nước là phải thể hiện qua chính sách cụ thể nhằm tác động vào thị trường, chính thị trường sẽ tác động vào định hướng của doanh nghiệp, đây là nguyên tắc quản lý Nhà nước trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường.

Do đó, sự quyết tâm tái cơ cấu 3 lĩnh vực nêu trên cần được thể hiện qua các chính sách cụ thể của Nhà nước như chính sách thuế, tín dụng đất đai… Đây là vấn đề doanh nghiệp chờ ở Quốc hội và Chính phủ trong thời gian tới.

Ba, tôi ủng hộ tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tuy nhiên tôi đề nghị cần có một quan điểm rõ về vị trí và vai trò của doanh nghiệp Nhà nước nói chung và tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nói riêng. Nếu xem doanh nghiệp Nhà nước là một công cụ của Nhà nước để bổ khuyết những khuyết tật của thị trường thì tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động khác hơn các tiêu chí về hiệu quả tài chính.

Tôi xin ví dụ một vấn đề về mâu thuẫn giữa mục tiêu thực hiện chính sách trong việc đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp Nhà nước phải bảo đảm lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, nhưng Nhà nước chỉ cho phép thu hẹp đầu tư theo đúng nhiệm vụ chính trị đã được giao, tức là cơ chế tài chính doanh nghiệp phải chạy theo mục tiêu của tài chính, chứ không phải là mục tiêu kinh tế của xã hội. Tôi đề nghị cần phải làm rõ, minh bạch trong chính sách đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Nên lấy chỉ tiêu GDP theo IMF

Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến,  Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Đức

Cách đây mấy ngày báo cáo của IMF(Quỹ tiền tệ Quốc tế - PV) đánh giá khả năng đạt GDP năm 2012 của Việt Nam khoảng 7% và chỉ tiêu lạm phát sẽ dừng ở mức 8,5%, điều đó cho thấy những chính sách, những giải pháp của Chính phủ đã có tác động rất tích cực.

Vì vậy chỉ tiêu GDP chúng ta nên tham khảo và nên lấy theo chỉ tiêu mà IMF, chỉ tiêu đó cũng gần với nghị quyết của Đại hội Đảng đưa ra là 7,5%.

Thứ hai, tỷ trọng đầu tư của xã hội chúng ta dự đoán năm 2011 đạt 34,5% và năm 2012 dự tính là 33,5% - 35%, trước đây kế hoạch chúng ta đưa ra là 40%. Việc giảm tỷ trọng đầu tư của toàn xã hội thực chất mà nói có nghĩa là làm giảm bớt việc tạo nguồn thu trong tương lai cho nên việc cắt giảm này cũng cần phải cân nhắc.

Có thể chúng ta cần có những chính sách để phát huy nội lực, giảm bớt đầu tư của các doanh nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, cần thúc đẩy doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đặc biệt là tạo sân chơi bình đẳng và tạo cơ chế.

Ví dụ về năng lượng, hiện nay mới có cơ chế BOT, BT, PPP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhà nước thì mặc nhiên được hưởng cơ chế BTO, trong khi đấy thì các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện nay chưa bước được vào lĩnh vực năng lượng, cho nên mỗi năm hiện nay chúng ta vẫn đang nhập khẩu 4 tỷ kWh điện.

Nghị định 108 của Chính phủ đã có cơ sở pháp lý, đề nghị Bộ kế hoạch và Đầu tư có thể hoàn thiện cơ chế BTO, chúng ta đã áp dụng rất thành công cơ chế BOT vào năng lượng cho nước ngoài. Nếu chúng ta làm được cái này thì chúng ta sẽ tạo được nguồn năng lượng và giảm nhập khẩu điện.

Nợ công của Việt Nam chưa phải là nhiều

Đại biểu Đặng Thành Tâm , Chủ tịch Hội đồng Quản trị SGI

Trước khi phát biểu, tôi xin đề xuất toàn thể đại biểu và cử tri cả nước bỏ phiếu bầu cho Vịnh Hạ Long là kỳ quan thế giới bằng cách nhắn tin HL gửi đến 147 và ủng hộ ngư dân bám ngư trường cả triệu km vuông bằng cách nhắn tin ND gửi 1407.

Về GDP năm tới, tôi đề nghị vẫn giữ tăng trưởng như Nghị quyết Đại hội 11 là 7,5% hay ít nhất cũng là 7%. Chúng ta phải cố gắng hết mình, đặc biệt Quốc hội hết sức ủng hộ Chính phủ. Như với vấn đề nợ công trên 55% GDP, đối với Việt Nam chưa phải là nhiều.

Tôi ví dụ chẳng hạn nếu chúng ta vay 1 tỷ đôla với lãi suất 7% thì sau 40 năm chúng ta sẽ phải trả 15 tỷ, nếu chúng ta vay 1% thì chỉ trả 1,5 tỷ mà thôi. Do đó nếu tính trong tương lai thì số nợ của chúng ta không đáng lo ngại lắm.

Vì vậy nếu chúng ta quyết tâm vào thời gian tới Chính phủ mạnh, bộ trưởng mạnh, Quốc hội tâm huyết, toàn dân đoàn kết, nếu nhà nước quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết Trung ương vừa thông qua thì chỉ số ICOR sẽ về 5% mà thôi.

Tiền ra ít, kết quả đầu tư vẫn nhiều, giảm lạm phát nhưng tăng trưởng vẫn cao, việc làm gia tăng, đời sống tốt hơn. Phân tích của IMF về dự toán kinh tế Việt Nam trong năm 2012 cũng đã nói Việt Nam tăng trưởng khoảng 7% và lạm phát là 8%.

Về chính sách tài chính tiền tệ thì Bộ trưởng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp đưa độ tín nhiệm tín dụng của Việt Nam tăng lên, hiện nay tín nhiệm tín dụng của Việt Nam thấp hơn mức chấp thuận của mua trái phiếu quốc tế.

 

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy