Đa Phước sắp có khu xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tập trung đầu tiên
(Dân trí) - Chiều ngày 20/12/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Tái chế và Xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại do Công ty CP Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu làm chủ đầu tư.
Một dự án được trông đợi
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, đây là dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tập trung đầu tiên tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP. HCM). Từ trước đến nay, Thành uỷ, Hội đồng Nhân dân, UBND TP. HCM đều rất quan tâm đến công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố và đã đề ra những chỉ tiêu phấn đấu hết sức cụ thể tại Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 03 về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp quản lý, TP. HCM chú trọng phát triển các nhà máy xử lý chất thải đồng bộ theo hướng áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, tiết kiệm diện tích đất và có thu hồi tài nguyên, năng lượng trong quá trình xử lý.
Dự án được coi là cột mốc đánh dấu nỗ lực của thành phố trong việc gia tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn, từng bước phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tận dụng các nguồn tài nguyên trong chất thải rắn. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở ngành liên quan hỗ trợ Công ty Mộc An Châu sớm triển khai dự án.
Giải pháp mới, công nghệ thân thiện môi trường
Nhà máy Tái chế và Xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại có quy mô công suất 500 tấn/ngày, diện tích gần 17ha, được xây dựng trong Khu Quy hoạch xử lý chất thải rắn của TP. HCM tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP. HCM).
Mục tiêu của dự án là nhằm tái chế và xử lý chất thải công nghiệp và các chất nguy hại cho các nhà máy sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp; các phòng thí nghiệm của các trung tâm phân tích, viện, trường đại học; các cơ sở y tế; cơ sở chăn nuôi… Đặc biệt, Nhà máy sử dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ nhiệt (lò đốt); công nghệ xử lý chất thải lỏng; công nghệ tái chế nhựa thải, nhựa phế liệu; công nghệ xử lý và tái chế chất thải điện tử; công nghệ phá huỷ xe cơ giới quá hạn, tái chế kim loại đen và kim loại màu; chôn lấp an toàn… Nhờ vậy, nhà máy có thể xử lý và tái chế từ 70% đến 90% chất thải thành nguyên liệu và sản phẩm, đảm bảo nguyên tắc xử lý triệt để các chất gây ô nhiễm đạt Quy chuẩn quốc gia ở mức độ cao nhất.
Nhà máy Tái chế và Xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại còn là một dự án thân thiện với môi trường, phát thải carbon thấp, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, khi có từ 80 đến 90% năng lượng nhà máy sử dụng là năng lượng tái tạo. Theo đó, nhà máy sẽ lắp pin mặt trời trên các mái nhà xưởng, có khả năng cung cấp 48 nghìn kWh/ngày và hơn 17 triệu kWh/năm.
Chủ tịch HĐQT Công ty Mộc An Châu, ông Phạm Duy Tân chia sẻ: “Công ty Mộc An Châu tự tin đây sẽ là một giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng bức xúc trong xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tại thành phố Hồ Chí Minh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương”.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành giai đoạn xây dựng và lắp đặt thiết bị vào cuối năm 2020, vận hành chính thức vào khoảng tháng 09/2021.
PHƯƠNG ĐẶNG