Đã giải ngân 8,1 tỷ USD vốn FDI
Trong 9 tháng qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 8,1 tỉ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2011. Xét theo địa phương, Bình Dương vượt lên là tỉnh thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước với 2,16 tỉ USD, 74 dự án cấp mới và 53 lượt dự án tăng thêm.
Bình Dương vượt lên là tỉnh thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước với 2,16 tỉ USD.
Bình Dương dẫn đần thu hút vốn FDI
Theo báo cáo này, trong 9 tháng qua, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 8,1 tỉ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2011. Về tỉ trọng vốn đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu trong thu hút vốn FDI với 6,24 tỉ USD, chiếm 65,5% tổng số vốn; tiếp đến là bất động sản, gồm 8 dự án đăng ký mới và 3 dự án tăng vốn nhưng thu hút tới 1,8 tỉ USD, chiếm 19%; sau đó là các ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa thu hút được hơn 400 triệu USD…
Xét theo địa phương, Bình Dương vượt lên là tỉnh thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước với 2,16 tỉ USD, 74 dự án cấp mới và 53 lượt dự án tăng thêm, chiếm 22,7% tổng số vốn FDI đăng ký; Hải Phòng đứng thứ 2 với gần 1,1 tỉ USD; kế tiếp là Đồng Nai thu hút hơn 991 triệu USD.
Trong số 775 dự án được cấp mới trong 9 tháng đầu năm, chỉ 1 dự án có vốn đầu tư trên 1 tỉ USD trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; 64 dự án có quy mô từ 10 triệu USD trở lên (chiếm 8,5% số dự án) với tổng vốn đầu tư 5,29 tỉ USD.
Trong tổng vốn FDI thu hút 9 tháng đầu năm, có khoảng gần 50% vốn đăng ký của các doanh nghiệp Nhật Bản với 203 dự án cấp mới và 82 lượt dự án tăng thêm, tổng số vốn đạt 4,68 tỉ USD.
Lượng kiều hối có thể đạt 10 -11 tỉ USD
Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2012, kiều hối chuyển về Việt Nam đã đạt hơn 6,3 tỉ USD, bằng 70% so với cả năm 2011.
Bà Nguyễn Thị Như Lý, Giám đốc khu vực Đông Dương của Western Union, cho rằng một phần quan trọng trong lượng kiều hối chuyển về Việt Nam là của đối tượng đi xuất khẩu lao động ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia. Hiện nay, có hơn 400.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết hiện nay, cả nước có trên 2.000 dự án do kiều bào đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 6 tỉ USD, trải rộng ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục, công nghiệp, bất động sản, du lịch... “Kiều hối năm nay có thể đạt khoảng 10 - 11 tỉ USD, tức tăng khoảng 20% so với năm 2011, cao hơn mức tăng trung bình 10 - 15% của những năm gần đây” - một chuyên gia dự báo.
Mới đây, phát biểu tại phiên thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị các bộ, ngành chức năng cần tăng cường công tác dự báo để đề xuất những chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả những những nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề cho năm 2012. Trong đó, trước hết là tập trung kiểm soát chặt chẽ giá cả, thực hiện bằng được mục tiêu không để lạm phát ở mức 2 con số; kiểm soát lạm phát không chỉ cho năm nay mà còn cho những năm tiếp theo. “Bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phải thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, việc thực hiện mục tiêu này không chỉ cho năm 2012 mà còn cho những năm tiếp theo, vì sự phát triển bền vững của đất nước” - Thủ tướng nhấn mạnh. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 5% trong năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế như gạo, thủy sản, hàng dệt may, da giầy; quan tâm phát triển các dịch vụ lợi thế như du lịch, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hàng không; tập trung giải quyết hàng tồn kho, nhất là vật liệu xây dựng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới việc cần đẩy mạnh và tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng. “Trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tập trung tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, sắp xếp lại quy mô cho phù hợp với thị trường, năng lực tài chính… Trong tái cơ cấu ngân hàng, tập trung quyết liệt vào việc giải quyết nợ xấu gắn với xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém” - Thủ tướng chỉ đạo. |
Thùy Nhung