Đã có 36 khách sạn bị rút "sao"

(Dân trí) - Vừa qua, tình trạng ép giá, chèo kéo khách, ăn mày, ăn xin, vệ sinh ăn uống hay chất lượng của các cơ sở lưu trú đã được chấn chỉnh, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn yêu cầu, cần tiếp tục duy trì chấn chỉnh, phải quy được trách nhiệm với các địa phương.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch về công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 diễn ra chiều 22/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu ngành du lịch cần tự đánh giá theo chuẩn quốc tế.

Theo báo cáo tại cuộc họp, trong năm 2016, du lịch Việt Nam đã đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 62 triệu lượt khách nội địa, với tổng doanh thu khoảng 400.000 tỷ đồng. Trong năm 2017, ngành du lịch đặt mục tiêu thu hút 11,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 66 triệu lượt khách nội địa, đạt doanh thu 460.000 tỷ đồng.

Từ kinh nghiệm của Tràng An (Ninh Bình), Sầm Sơn (Thanh Hóa) hay gần đây là Phú Quốc (Kiên Giang) khi thu hút được những nhà đầu tư lớn thì khách du lịch tăng trưởng ngay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng điểm nổi bật của ngành du lịch trong năm 2016 là có rất nhiều công trình lớn được đầu tư từ những năm trước bắt đầu được đưa vào sử dụng hàng loạt, hình thành mạng lưới, hệ thống lưu trú, khu du lịch lớn.

“Nếu không có những công trình của các nhà đầu tư lớn, cứ manh mún thì không thu hút được du khách. Quan trọng hơn là để những tỉnh có tiềm năng du lịch nhưng chưa có nhà đầu tư lớn không vội vàng giao ngay cho nhưng DN yếu năng lực, dẫn đến xé lẻ thậm chí phá vỡ quy hoạch, cảnh quan”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành du lịch phải tự xem lại mình so với thế giới (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành du lịch phải tự xem lại mình so với thế giới (Ảnh: VGP)

Trong những chuyển biến tích cực của ngành du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương rất quan trọng. Nhiều vấn đề không mới của ngành du lịch như cấp thị thực điện tử, miễn thị thực, thành lập quỹ xúc tiến du lịch… đã có tiếng nói, giải pháp chung giữa các bộ, ngành.

Với các địa phương, khi những nỗi sợ của khách du lịch quốc tế được “vạch mặt, chỉ tên” rất cụ thể: ép giá, chèo kéo khách, ăn mày, ăn xin, vệ sinh ăn uống, môi trường cùng các chỉ đạo sâu sát của Trung ương… các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Chất lượng của các cơ sở lưu trú được chấn chỉnh, siết chặt với việc rút sao của 36 khách sạn.

“Những việc này cần tiếp tục duy trì, chấn chỉnh, phải quy được trách nhiệm với các địa phương”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh các đề xuất về những nhiệm vụ mà ngành du lịch sẽ tập trung triển khai trong năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh khi du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, cần phải nhanh chóng lượng hóa các chỉ tiêu phát triển cụ thể.

“Ngành du lịch phải tự xem lại mình so với thế giới, chỉ ra những điểm yếu kém nhất để tập trung khắc phục, cải thiện. Từng năm cần đánh giá mức độ tiến bộ đến đâu, chuyển biến những gì. Ngay cả việc xếp hạng sao cho khách sạn cũng cần kiên quyết không để tình trạng “sao Việt Nam”, “sao thế giới”. Chủ trương, cơ chế, chính sách chúng ta đã có đầy đủ, vì vậy cần kiểm tra, giám sát mạnh mẽ đối với việc thực hiện. Các đoàn kiểm tra, giám sát không nên chỉ có người của Tổng cục Du lịch mà cần huy động, kêu gọi sự tham gia của các hiệp hội trong ngành du lịch để cùng khảo sát, đánh giá”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý với tốc độ phát triển của du lịch Việt Nam hiện nay đang đặt ra yêu cầu rất lớn về nhân lực du lịch, đặc biệt ở nhóm quản lý cấp cao. Bộ GD&ĐT phải làm việc với một số khách sạn, trường đại học để xây dựng các chương trình liên kết đào tạo.

Bích Diệp (ghi)