1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đà bán tháo chứng khoán sẽ kéo dài bao lâu?

Mai Chi

(Dân trí) - Chỉ trong một phiên, quy mô vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam đã “bốc hơi” tới 8,5 tỷ USD. Tuy vậy, sự tháo chạy chủ yếu là ở nhà đầu tư nội còn khối ngoại vẫn mua ròng.

Như tin đã đưa, trong phiên hôm qua (27/7), do ảnh hưởng tiêu cực của thông tin về dịch Covid-19, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã bị bán tháo ồ ạt khiến các chỉ số giảm sâu.

VN-Index mất 43,99 điểm tương ứng 5,31% còn 785,17 điểm và khiến thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường biến động tệ nhất thế giới phiên 27/7. Chỉ trong 1 ngày, vốn hoá sàn HSX bị “thổi bay” hơn 153.000 tỷ đồng (tương đương 6,6 tỷ USD) và quy mô vốn hoá toàn thị trường giảm hơn 190.000 tỷ đồng (tương đương thiệt hại 8,5 tỷ USD).

Sắc đỏ bao trùm thị trường với số lượng mã giảm áp đảo số mã tăng. Thống kê cho thấy có 690 mã giảm giá trên cả 3 sàn HSX, HNX, UPCoM và có tới 245 mã giảm sàn trong khi chỉ có 105 mã tăng và 27 mã tăng trần.

Đà bán tháo chứng khoán sẽ kéo dài bao lâu? - 1

Diễn biến thị trường chứng khoán tiêu cực vì nỗi lo sợ Covid-19 quay trở lại

Giảm sâu là cơ hội “vàng” để mua

Điểm đáng chú ý là hoạt động bán tháo diễn ra ngay tại cả các cổ phiếu trong rổ VN30 với 16 mã giảm kịch sàn, chưa kể nhiều mã giảm sâu, suýt soát chạm mức sàn.

Giữa lúc nhà đầu tư nội “chen chúc nhau” tháo chạy khỏi cổ phiếu thì khối nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX lần lượt 294,86 tỷ đồng và 3,43 tỷ đồng.

Thanh khoản thị trường được giữ mức cao với giá trị khớp lệnh đạt gần 6.000 tỷ đồng. Chuyên gia Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường giảm sâu đã kích hoạt dòng tiền đứng ngoài trong thời gian vừa qua tham gia bắt đáy.

Trong kịch bản tích cực, thanh khoản ở các phiên tới tiếp tục được giữ ở mức cao thì khả năng đà giảm sẽ dao động chậm dần và hình thành vùng cân bằng mới.

Theo nhóm phân tích, thêm một phiên giảm sâu là kịch bản không khó đoán khi tâm lý lo lắng về covid đang bao trùm, mức giảm phiên hôm qua khá mạnh và tương đương với 2 phiên giảm sâu nhất trong tháng 3 vừa qua.

Về dao động, thị trường trong nước đang biến động mạnh hơn so với thị trường quốc tế, tuần trước chỉ số VN-Index đứng đầu toàn cầu về mức sụt giảm theo tuần thì hôm nay là phiên giảm mạnh nhất theo ngày.

Ngoài chỉ số, yếu tố thanh khoản cũng là điểm đáng chú ý trong 2 phiên vừa qua, nếu mức thanh khoản bình quân kể từ đầu tháng 7 xoay quanh 3.500 tỷ đồng thì mới mức giảm 8,4% trong 2 phiên vừa qua, thanh khoản khớp lệnh bình quân lên tới 6.500 tỷ đồng.

Như vậy, đã có một lượng cổ phiếu lớn được trao tay, trong đó một phần là lượng cổ phiếu cũ và một phần là lượng hàng bắt đáy mới. Với thanh khoản bình quân trước 2 phiên giảm vừa qua thì lượng margin trên thị trường là không đáng ngại do thị trường chủ yếu đi ngang.

Theo thống kê, hiện có 30% số mã trên sàn HSX đang ở dưới mức đáy cuối tháng 3 vừa qua, 10% số mã đang có giá tương đương với vùng đáy. Do vậy, MBS đánh giá, nhịp giảm này là cơ hội để tích lũy cổ phiếu cho chiến lược đầu tư từ 3 đến 6 tháng tới.

Dòng tiền đứng ngoài đã giải ngân 2 phiên liên tiếp, trong đó có sự tham gia của khối ngoại, không giống đợt giảm trong tháng 3 khối ngoại chủ yếu bán ròng, lần giảm này họ đã chủ động mua ròng mạnh trở lại.

Sự cân bằng sẽ sớm quay trở lại?

Theo đánh giá của Chứng khoán BIDV (BSC), nếu xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ 2 ở Việt Nam thì tác động của nó đối với thị trường tiềm năng sẽ không nhiều như với khoảng thời gian đầu diễn ra dịch bệnh.

Trong trường hợp VN-Index diễn biến tương tự như Hangseng thì chỉ số ước tính sẽ dời về khu vực 770- 780 điểm, và đây cũng là vùng hỗ trợ của chỉ số nên có thể xuất hiện lực cầu bắt đáy tại vùng này khi sự lo lắng về dịch bệnh được lắng dịu.

Về mặt thời gian, sự bi quan của thị trường có thể được duy trì tương đương hoặc ngắn hơn giai đoạn dịch leo thang trong tháng 3, theo dự kiến có thể là khoảng 2-3 tuần.

Còn chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì nhận xét, sau 3 tháng không có ca lây nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng, khi các thông tin về bệnh nhân mới xuất hiện tại Đà Nẵng, thị trường đã phản ứng mạnh và liên tiếp giảm điểm trong các phiên ngày 24 và 27/7.

Sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp, chỉ số VN-Index đã mất 71,58 điểm, tương đương giảm 8,35% so với mức đóng cửa ngày 23/07. Đây là mức giảm mạnh hơn so với 2 lần có các phiên giảm sốc trước đó.

Lần đầu tiên là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, khi bắt đầu xuất hiện các thông tin về Covid-19, VN-Index cũng đã có 2 phiên sụt giảm mạnh, khiến chỉ số giảm từ mức 991,46 điểm trước kỳ nghỉ lễ về 936,62 điểm kết thúc tháng 1 tương đương giảm 54,84 điểm (5,86%).

Lần thứ hai là khi bệnh nhân số 17 xuất hiện tại Hà Nội. Khi đó, VN-Index cũng đã có phiên giảm mạnh sau đó, chỉ số đã giảm từ 891,44 về 835,49 điểm, giảm 55,95 điểm tương đương 6,28%.

Lần này, trong 14 ngày tới dịch bệnh vẫn là rủi ro đối với thị trường chứng khoán. Song, theo nhận định của BVSC, với kinh nghiệm về việc khống chế dịch các lần trước cùng với việc phát hiện ổ dịch sớm, nhóm phân tích kỳ vọng dịch bệnh lần này sẽ sớm được nhận diện, để từ đó khống chế.

Bên cạnh đó, do nhà đầu tư cũng đã có sự chuẩn bị tâm lý, quen thuộc với những đợt biến động sâu trước đó nên theo đánh giá của BVSC, sự cân bằng được cho là sẽ sớm trở lại trong một vài phiên tới.