Cuộc đua đầu tư vào vàng của các ngân hàng

Năm 2006 vừa qua là một năm “thử thách” đối với dân chơi vàng, ai đã lao vào chơi thì trúng lớn. Mới đây, động thái ký kết với công ty vàng bạc đá quí Sài Gòn - SJC của một vài ngân hàng khiến giới kinh doanh vàng thầm thì: ngân hàng đang đặt mạnh chân hơn vào thị trường vàng.

Vàng “hút” ngân hàng

Mới đây, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa hợp tác với SJC mở các thương vụ mua bán vàng khi giá vàng trong nước và quốc tế có những diễn biến thuận lợi để kinh doanh. Sacombank đã có quan hệ với SJC từ trước, nhưng với động tác này, Sacombank muốn gắn bó và “khai thác” từ đôi bên nhiều hơn.

Đại hội cổ đông thường niên 2006 vừa rồi, Sacombank hoạch định việc thành lập công ty vàng bạc đá quí dưới hình thức liên doanh, trực thuộc hoặc cổ phần, và nếu có liên doanh hay cổ phần thì Sacombank phải chiếm tỷ trong chi phối.

Trước đó, cuối tháng 4 vừa qua, ngân hàng Phương Nam, đang có cổ phần trong công ty vàng bạc đá quí Phương Nam (PJC) cũng thoả thuận với UOB Bullion & Futures Limited.

Đây là công ty con của UOB Group (Singapore) chuyên cung cấp dịch vụ kinh doanh về ngoại tệ, vàng bạc đá quí và thị trường tương lai (Futures) cho khách hàng, và sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của PJC, và hợp tác phát triển các sản phẩm dịch vụ về vàng miếng, vàng trang sức, mua bán vàng qua tài khoản, tư vấn quản lý kinh doanh vàng...

SJC sẽ không còn độc tôn?

Nếu kinh doanh vàng thì hầu hết các ngân hàng trong nước đều quan hệ chặt chẽ với SJC, chị Thiều, một doanh nghiệp kinh doanh vàng ở quận 1 nhận xét. Điều này được lý giải vì vàng miếng SJC chiếm khoảng 90% trong các giao dịch hiện nay.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, tại TPHCM, số lượng vàng miếng sản xuất năm 2006 là 64.500 kg, tăng 100% so với 2005, trong đó SJC chiếm 98%, cho thấy nhu cầu tiêu thụ vàng miếng SJC trên thị trường rất cao.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước TPHCM, năm 2006 số lượng thực nhập của các đơn vị trên địa bàn TP.HCM là 74.253 kg vàng (hơn 74 tấn), tăng 49,3% so với năm 2005. Năm qua, dễ nhận thấy sự quan tâm của các ngân hàng đối với thị trường vàng qua việc tung ra nhiều sản phẩm vàng hơn.

Chính vì muốn tấn công vào thị trường vàng, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, ngoài việc sàn giao dịch vàng đầu tiên của Việt Nam (do vài ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng liên kết thành lập, ngân hàng ACB làm “chủ xị”) sắp sửa hoạt động, nhiều ngân hàng đang có kế hoạch cho ra đời vàng miếng mang thương hiệu của mình.

“Năm vừa rồi SJC hút hàng do “độc quyền”, các ngân hàng không muốn tình trạng này xảy ra nữa. Bên cạnh đó, lợi nhuận lớn từ vàng đã được chứng minh trong một vài năm gần đây, nên việc họ mạnh tay cũng là điều dễ hiểu”, một chuyên gia lĩnh vực vàng nhận xét.

Tuy nhiên, ông nói thêm, làm cho công chúng quen tiêu dùng vàng miếng khác ngoài SJC là một khó khăn mà mấy năm qua các loại vàng miếng mang tên khác gặp phải.

Thêm cơ hội chơi vàng

Năm 2006 là năm giá vàng trên biến động, tăng giảm thất thường với biên độ dao động rất lớn. Đầu năm 2006, giá vàng ở mức 520 USD/ounce, đến cuối năm là 635 USD/ounce, tăng 22%. Có thời điểm giá vàng tăng đến mức kỷ lục 730 USD/ounce (tháng 5.2006).

Tận dụng cơ hội, nhiều người đã mua bán vàng hưởng chênh lệch giá. Theo ghi nhận của một trưởng phòng, năm vừa qua, lượng người chơi vàng tài khoản tăng mạnh. Theo chị, sắp tới, với sàn giao dịch vàng, người đầu tư sẽ đến tìm kiếm cơ hội từ vàng nhiều hơn.

Trong cuộc gặp gỡ giữa ngân hàng ACB và các nhà đầu tư kinh doanh vàng cuối tuần rồi, đa số nhà đầu tư háo hức chờ đợi sàn giao dịch. Tuy nhiên, theo họ, còn một vài điều lấn cấn, như phí giao dịch và bước nhảy về giá khá cao, thời gian chơi chưa phù hợp với thời điểm trong ngày giá vàng thế giới biến động…

Theo Hồng Sương
Báo SGTT