1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

CEO Techcombank:

Cuộc đấu giá cho cổ phiếu Techcombank - Các quỹ định giá để có cơ hội đầu tư

(Dân trí) - Ngày 4/6/2018, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) với mã TCB. Mức 128.000 đồng/cổ phiếu tham chiếu trong phiên chào sàn (tương đương giá trị Techcombank là 6,5 tỷ USD) tạo hiện tượng trên thị trường, cao vượt trội so với các ngân hàng Việt Nam đang niêm yết.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank - chia sẻ mức giá 128.000 đồng/cổ phiếu không phải do Techcombank đưa ra, mà các Nhà đầu tư tự đưa ra mức giá muốn mua. Với việc thực hiện các chuẩn mực quốc tế cao nhất trong kế hoạch chào bán, chứng minh được chất lượng dịch vụ và khả năng sinh lời của Ngân hàng, nên lượng đặt mua cổ phiếu Techcombank từ các Nhà đầu tư quốc tế rất cao.

Và qua đợt chào bán, các quỹ định giá Techcombank trong dải giá từ 6,2 - 7 tỷ USD. Sau quá trình cân nhắc, HĐQT Techcombank đã lựa chọn mức giá là 6,5 tỷ USD, chuyển đổi ra thành 128.000 Đ/cổ phiếu. Ngày 4/6 là ngày các nhà đầu tư thực sự làm chủ các cổ phiếu được mua và bắt đầu được phép giao dịch trên sàn HOSE.


Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank

Kế hoạch chào bán được thực hiện theo quy trình quốc tế

Thưa ông, kế hoạch bán và niêm yết của Techcombank hẳn không mang tính thời điểm, mà phải có quá trình chuẩn bị. Ông có thể chia sẻ về quá trình đó?

Chúng tôi đã phải chuẩn bị từ đầu năm 2016 và làm từng bước một.

Điểm quan trọng nhất là kế hoạch bán Cổ phiếu thực hiện hoàn toàn theo các quy trình chuẩn mực và khắt khe nhất trên thế giới, hoàn toàn đáp ứng được những điều lệ riêng của các nhà đầu tư lớn nhất và tuân thủ tuyệt đối luật pháp của các thị trường quốc tế như Mỹ, Anh, Hồng Kông và Singapore.

Sở dĩ lựa chọn như vậy vì yêu cầu về báo cáo tài chính, mức độ mạch lạc về chiến lược, khả năng thực thi, tiềm năng thị trường,v.v.. của các nhà đầu tư lớn nhất trên thế giới đều rất cao.

Có phải vì quá trình chuẩn bị lâu dài như vậy nên đến thời điểm này Techcombank mới quyết định chính thức niêm yết?

Khi tôi về Techcombank vào tháng 6/2015, thì HĐQT Techcombank lúc đó đã bắt đầu quyết định đường đi nước bước để thực hiện niêm yết. Việc đầu tiên mà chúng tôi phải làm là báo cáo tài chính những năm 2015, 2016 và 2017 đều tuân theo tiêu chuẩn quốc tế IFRS. Năm 2018, có lẽ Techcombank là ngân hàng duy nhất ở Việt Nam có bản báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế mới nhất, đó là IFRS 9. Rất nhiều ngân hàng trong khu vực vẫn chưa có đủ chuẩn bị để tuân theo tiêu chuẩn mới nhất này.

Ngay trong bước đầu tiên này, chúng tôi đã mời các tổ chức quốc tế chuyên nghiệp rà soát toàn bộ quy trình vận hành, nền tảng luật pháp để đảm bảo cho ngân hàng tuân thủ một cách tốt nhất. Những gì chưa đạt năm 2015 phải được làm triệt để vào năm 2016, và đến tháng 9/2017 Techcombank đã hoàn tất các điều chỉnh cần thiết.

Từ thời điểm này - tháng 9/2017, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp cận để mua, nhưng chúng tôi chưa chính thức làm việc với họ cho đến hết năm 2017. Vì sao như vậy? Vì phải hết năm 2017 thì Techcombank mới có đầy đủ báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế trong ba năm liên tiếp, và từ đó, mức độ đánh giá, xác định giá trị vốn hóa của Techcombank mới chính xác nhất.

Với việc thực hiện các chuẩn mực quốc tế cao nhất trong kế hoạch lên sàn giao dịch, chứng minh được chất lượng bảng tài sản và khả năng sinh lời của Ngân hàng, nên lượng đặt mua cổ phiếu Techcombank từ các nhà đầu tư danh giá nhất trên thế giới mới dồn dập đến và với giá trị vốn hóa vững chắc nhất.

Hơn 150 nhà đầu tư riêng biệt tham gia đợt chào bán

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những nhà đầu tư tham gia đợt chào bán vừa rồi?

Có hơn 150 quỹ đầu tư riêng biệt tham gia. Trong đó có những nhà đầu tư lớn nhất thế giới và hàng đầu của Mỹ, Anh…lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam. Những quỹ đầu tư như Fidelity, Capital Group, JP Morgan AM, Franklin Templeton đang quản lý hơn nghìn tỷ USD, nên khoản đầu tư 50 triệu USD vào Techcombank rất là nhỏ đối với họ. Cho nên có nhà đầu tư đặt vấn đề kỳ vọng có khoản đầu tư tối thiểu 500 triệu USD, nhưng ngân hàng của chúng tôi chưa đủ lớn để đáp ứng những nhu cầu đó.

Mức giá 128.000 đồng/cổ phiếu có phải là quá cao hay không?

Tôi xin lưu ý ở đợt bán cổ phiếu vừa qua, mức giá không phải là Techcombank đưa ra mà đây là một cuộc đấu giá giữa các nhà đầu tư trên thế giới. Họ định giá trị của Techcombank dựa trên những mô hình tài chính họ tự lập ra, và dựa trên những bản báo cáo tài chính của Ngân hàng đã xây dựng từ 3 năm qua. Họ đánh giá và so sánh Techcombank với những ngân hàng khác trong khu vực, từ đó, họ đưa ra một dải giá từ 6,2 đến 7 tỷ USD Chúng tôi lựa chọn mức giá dưới trung bình một chút là 6,5 tỷ USD chuyển đổi ra thành 128.000 đồng/cổ phiếu.

Các nhà đầu tư rất khắt khe trong định giá. Các báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế IFRS của Techcombank là một trong nhiều cơ sở dữ liệu để các nhà đầu tư đánh giá triển vọng trong tương lai.

Thêm vào đó là khả năng sinh lời. Ví dụ như doanh thu của quý 1/2018 tăng 30% với với cùng kỳ năm ngoái. Hàng năm mức độ tăng trưởng vào khoảng 30%. Lợi nhuận tăng trưởng hàng năm khoảng 20%. Trong những năm qua, lợi nhuận Techcombank giữ lại thì tăng vốn chủ sở hữu và giá trị doanh nghiệp. Lợi nhuận để lại đó tiếp tục tăng thêm 20% mỗi năm.

Một số nhà đầu tư đã chia sẻ với chúng tôi rằng, họ khó tìm được trên thị trường những cơ hôi đầu tư đáng tin cậy có khả năng sinh lời mức đó. Và giá trị này được đưa thẳng vào trong giá cổ phiếu hiện nay.

Giao dịch càng nhiều, minh bạch càng cao

Trở lại với kế hoạch niêm yết. Gắn với đợt bán cổ phiếu vừa qua, có nhiều nhà đầu tư riêng biệt tham gia, nếu có sự nắm giữ lỏng lẻo hoặc ngắn hạn thì có thể tạo áp lực trong giao dịch và giá cổ phiếu Techcombank. Ông nói gì về giả thiết này?

Đó lại là cái chúng tôi mong muốn. Trong tương lai, khi thị trường có nhiều giao dịch thì mức độ minh bạch càng cao. Chúng tôi muốn có cơ cấu cổ đông đa dạng và minh bạch. Nên việc mua đi bán lại trên thị trường là cần có, càng có nhiều giao dịch thì mức độ minh bạch càng cao và tốt cho thị trường nói chung và tốt cho các cổ đông của Techcombank nói riêng.

Đó hoàn toàn là điều chúng tôi mong muốn chứ không phải e ngại.

Ông có lo ngại về áp lực đối với giá cổ phiếu TCB, khi thị trường đang có diễn biến không thuận chiều?

Theo nguyên tắc, giá cổ phiếu phản ánh hai điểm quan trọng: Đó là triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp trong tương lai và giá trị của nguồn vốn chủ sở hữu. Hai điểm này được thể hiện qua các chỉ số sinh lời và chất lượng của bảng cân đối.

Mục tiêu của chúng tôi không phải nâng giá chứng khoán Techcombank. Chúng tôi chỉ tập trung vào vấn đề chính là liên tục cải thiện mọi hoạt động của ngân hàng, từ đó, nâng giá trị của Ngân hàng một cách tổng thể, chẳng những cho các nhà đầu tư, cổ đông mà cho mọi CBNV, và nhất là cho khách hàng của Techcombank nữa

Còn với cổ đông, sau nhiều năm tới đây ngân hàng có kế hoạch chi trả bằng cổ phiếu sau nhiều năm không trả cổ tức. Ông có thể chia sẻ thêm về các cam kết đối với lợi ích của cổ đông trong tương lai không?

Ngay từ quá trình chào bán vừa qua, Techcombank phải tuân thủ quy định quản lý thông tin ra bên ngoài theo các chuẩn mực quốc tế. Theo đó, chúng tôi không thể tiết lộ hoặc đưa ra những hứa hẹn, cam kết mà Techcombank chưa có kế hoạch thực hiện rõ ràng để tránh dẫn dắt cổ đông không đúng hướng. Đây cũng là một yêu cầu tối thiểu về mức độ minh bạch với cổ đông.

Ở thời điểm này, chúng tôi cam kết tập trung hết mình vào chiến lược phát triển của ngân hàng, nhằm đạt được những kết quả đúng với mục tiêu đã đề ra, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng nhằm liên tục đóng góp và xây dựng giá trị cho xã hội và cho cộng đồng Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

AH

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm