1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường chứng khoán Việt Nam:

Cuộc chiến giữa “bò” và “gấu”

Nhiều người đặt câu hỏi trong thời gian qua, thị trường chứng khoán của nước ta là “thị trường bò” hay “thị trường gấu”? Và trong cuộc tranh đua trong thời gian tới, “bò” hay “gấu” sẽ thể hiện được sức mạnh của mình?

Trong hệ thống thuật ngữ của chứng khoán có “thị trường bò” (bull market) và “thị trường gấu” (bear market) lần lượt biểu hiện cho sự tăng trưởng hay sự sụt giảm của thị trường chứng khoán.

Cuối năm 2006 đầu năm 2007, “chú bò tót chứng khoán” Việt Nam đã tăng tốc với sức mạnh khủng khiếp. Đợt sốt nóng cổ phiếu là thời kỳ những nhà đầu tư cá nhân và nhỏ lẻ tham gia thị trường ào ạt với kỳ vọng rất lớn.

Dĩ nhiên “thị trường bò” sẽ đến một đỉnh điểm nhất định rồi sẽ suy giảm và “thị trường gấu” sẽ chiếm lĩnh. Cuộc đấu sức giữa “bò” và “gấu” thường sẽ tạo ra những đợt sóng nhỏ làm cho giá cổ phiếu điều chỉnh tăng hoặc giảm ở một biên độ nhỏ trên một khuynh hướng tăng hoặc giảm lớn.

Nhìn lại xa hơn một chút về biến động giá, năm 2006, VN-Index dao động ở mức 300 điểm. Thời kỳ này kéo dài đến cuối tháng 2/2006, thị trường bắt đầu tăng trưởng mạnh.

Giữa tháng 4, như một chú bò tót tráng niên, chỉ số VN-Index đã leo lên đến mức hơn 600 điểm. Sau đó “thị trường gấu” xuất hiện với một cú sụt giảm chạm đáy 400 điểm vào giữa tháng 6. Tuy nhiên sau đó thị trường chứng khoán thăng hoa và tăng trưởng vượt bậc. Từ cột mốc 400 điểm, VN-Index đã vươn lên mạnh mẽ tới cột mốc 1.131 điểm vào tháng 3/2007.

Dù rằng trong đợt thủy triều lên này cũng có những đợt sóng nhỏ kéo giá giảm xuống nhưng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong thời kỳ tháng 6/2006 đến tháng 3/2007 đã vượt qua sự dự đoán của nhiều người. Dĩ nhiên sau khi cơn thủy triều đạt đến đỉnh điểm, “thị trường gấu” đã xuất hiện khiến VN-Index bắt đầu sụt giảm.

Nếu nhìn vào biểu đồ của VN-Index, theo phân tích kỹ thuật, ta thấy sau khi thị trường giảm một vài phiên lập tức có sự điều chỉnh tăng lên. Tuy nhiên ta cũng có thể thấy được đáy của những đợt điều chỉnh giảm lần sau đều thấp hơn lần trước và chưa thấy một tín hiệu cho thấy sự vươn lên về giá. Điều đó cho thấy trong một xu hướng ngắn hạn thì VN-Index sẽ còn điều chỉnh giảm.

Trong thời gian qua và cả trong tương lai ngắn hạn, xu thế “thị trường gấu” là khá rõ ràng trên thị trường chứng khoán nước ta. Dù rằng thị trường có thể thay đổi nhưng nguyên lý lên xuống là bất biến.

“Thị trường bò” không thể lên giá mãi và “thị trường gấu” thì sớm muộn cũng đạt đến đáy của nó. Những nhà đầu tư trên thị trường với những điều kiện tài chính, tính cách, trình độ và mục tiêu khác nhau sẽ lựa chọn cho mình trở thành những chú bò liên kết lại thành từng đàn theo đám đông nhằm giảm thiểu rủi ro và để bảo đảm an toàn hay sẽ như những chú gấu chấp nhận mạo hiểm, chờ đợi thời cơ cho thị trường xuống đến thời điểm khi giá chứng khoán chạm để “ôm” cổ phiếu vào mong thắng lớn.

Và tín hiệu vui cho thấy “chú bò tót chứng khoán” Việt Nam đang lấy lại sức là có cơ sở. Nhìn trên đồ thị của VN-Index, ta thấy xu hướng giảm bắt đầu chững lại. Đáy giảm của những lần sau bắt đầu bằng so với những phiên điều chỉnh giảm trước.

Thậm chí trong một vài phiên gần đây xu hướng giảm đã thấp đi nhiều. Kết hợp với những thông tin khá tốt đẹp trong thời gian gần đây như việc các quỹ đầu tư nước ngòai đang mua vào gấp nhiều lần so với lượng bán ra.

Việc Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào thị trường chứng khoán ở Việt Nam và lượng kiều hối đang đổ về tìm kiếm cơ hội đầu tư thì ta có thể kết luận thị trường chứng khoán sẽ sớm có sự điều chỉnh tăng.

Ngoài ra Tạp chí đầu tư tài chính danh tiếng Motley Fool đầu năm 2007 đã từng xếp Việt Nam vào danh sách 10 thị trường chứng khoán “bò” tiềm năng tăng trưởng cao nhất. Cũng theo báo cáo từ Cty quản lý vốn và nghiên cứu thị trường chứng khoán Birinyi Associates thì thị trường chứng khoán Việt Nam đứng thứ 3 trong các “thị trường bò” với tỷ lệ sinh lời là Việt Nam 145%.

Có thể nói theo đánh giá chung, về mặt dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam đáng được coi như một con bò đực đương độ lớn và sẽ vươn đến thời kỳ sung sức. Đó đáng kể là một địa điểm đầu tư tài chính tiềm năng. Tất nhiên, quả ngọt chỉ đến với những nhà đầu tư có đủ can đảm và đủ kiên nhẫn chờ được đến mùa hái quả.

Theo Hoàng Tùng
Báo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm