Cuộc chiến giá rẻ trên bầu trời
Các hãng hàng không quốc gia trên thế giới đang phải chịu sức ép lớn trong cuộc cạnh tranh quyết liệt đối với các hãng hàng không giá rẻ, chủ yếu đến từ các nước châu Á.
Riêng trong tháng 1/2006, các hãng hàng không giá rẻ toàn cầu thực hiện 266,5 triệu vé giá rẻ, tăng năng lực vận chuyển so với cùng kỳ năm trước.
Với chiêu cạnh tranh giá rẻ, các hãng hàng không giá rẻ ở châu Á tăng năng lực vận chuyển hành khách 257% và các hãng hàng không giá rẻ Trung Đông tăng năng lực vận chuyển hành khách 203%; khu vực Bắc Âu tăng 47% và ở Anh tăng 3%. Các hãng hàng không giá rẻ ở Ấn Độ dẫn đầu thế giới với các đơn đặt mua 150 máy bay mới trị giá 13,6 tỷ USD.
Tại châu Âu hãng hàng không giá rẻ Ryanair của Anh đã giành đựơc khách hàng của các hãng hàng không quốc gia British Airways. Năm qua, hãng hàng không giá rẻ Ryanair lớn nhất châu Âu đã tăng hơn 30.000 chuyến bay, hãng hàng không giá rẻ Southwest Airlines lớn nhất ở Mỹ tăng tới 46.700 chuyến bay.
Số vụ tai nạn hàng không năm qua lên tới 34 vụ gây chết người, tăng 6 vụ so với năm 2004, số hành khách và phi công thiệt mạng lên tới 1.050 người so với 466 người năm 2004. Theo Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) phần lớn số vụ tai nạn xẩy ra đối với các hãng hàng không của các nứơc có nền kinh tế kém phát triển, nhất là ở châu Phi, một số nước Mỹ Latinh và ở châu Á, mặc dù hoạt động vận tải hàng không của các nước kém phát triển chiếm một phần nhỏ trong lưu lượng vận tải hàng không quốc tế .
Các hãng hàng không Mỹ thường bị hành khách than phiền về tình trạng các chuyến bay cất cánh chậm so với lịch trình và tình trạng hành lý bị thất lạc. Năm qua, đã có tới 8.735 đơn, thư kêu ca 19 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ, tăng 17,2% so với năm 2004. Số chuyến bay cất cánh đúng giờ ở Mỹ chỉ đạt 77% so với 78% năm 2004 .
Trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ, Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản, hãng hàng không lớn nhất ở châu Á, buộc phải ngừng 6 chuyến bay quốc tế và có thể phải ngừng thêm 4 chuyến bay quốc tế trong năm nay, cùng với việc giảm bớt số chuyến bay từ Tokyo tới Luân Đôn và Băng Cốc.
Ban lãnh đạo JAL dự báo lỗ ròng tới 47 tỷ Yên trong tài khoá 2005 tính đến tháng 3/2006. Hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) lớn thứ hai ở Nhật Bản cũng đang gặp khó khăn do chi phí nhiên liệu cao và cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không khác, lợi nhuận ròng của hãng giảm 14,8% so với năm trứơc, xuống còn 29,9 tỷ Yên.
Trong cuộc đua mới này nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới sẽ tăng sử dụng loại hình dịch vụ đặt vé máy bay qua mạng Internet nhằm giảm chi phí qua các đại lý lữ hành hoặc văn phòng bán vé.
Việc bán vé qua mạng đã chiếm 38% doanh số bán vé trên toàn cầu và IATA muốn hầu hết 265 hãng hàng không thành viên thực hiện việc này trong 2 năm tới. Việc bán vé qua mạng tiết kiệm chi phí 3 tỷ USD/năm cho ngành hàng không thế giới. Ông Jovanni Bisignani nói áp dụng rộng rãi công nghệ này sẽ giúp ngành hàng không toàn cầu tiết kiệm 6,5 tỷ USD mỗi năm.
Châu Âu và Mỹ đang đi đầu về lĩnh vực bán vé qua mạng. Các hãng hàng không giá rẻ EasyJet, RyanAir hoặc Southwest ở Mỹ, những hãng đầu tiên thực hiện bán vé điện tử, mang lại lợi ích lớn cho họ trong cuộc cạnh tranh trứơc những đối thủ lớn. Nhưng tại Bắc Á các hãng bán vé qua mạng mới đạt 11% và tại Trung Đông mới chỉ đạt 2%. Một số hãng hàng không kém phát triển sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn trong việc thực hiện dịch vụ bán vé qua mạng Internet.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp