Cuộc cạnh tranh hấp dẫn của các công ty tài chính
(Dân trí) - Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam thời gian qua vẫn chưa hết nóng, dù thị phần mà 3 doanh nghiệp lớn hiện tại chiếm hơn 2/3 nhưng cuộc cạnh tranh này vẫn chưa dừng lại, đồng thời thị trường vẫn còn nhiều dư địa để các công ty nhỏ chen chân.
3 công ty lớn chiếm hữu thị trường
Hoạt động tín dụng tiêu dùng dần xuất hiện từ những năm 1990 nhưng được biết đến nhiều từ khoảng 10 năm trở lại đây. Thị trường tín dụng tiêu dùng hiện có nhiều nhận xét, đánh giá trái chiều về khả năng phát triển. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường đến nay vẫn còn nhỏ lẻ, chỉ có vài doanh nghiệp tạo được chỗ đứng. Một số khác lại cho rằng thị trường còn nhiều dư địa và các công ty nhỏ vẫn còn nhiều cơ hội tham gia.
Trên thực tế, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng 10 năm qua tại Việt Nam đã có những bước phát triển nhảy vọt. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012.
Theo các chuyên gia, nếu phân tách tín dụng vay mua nhà, sửa nhà, thì tín dụng tiêu dùng chỉ mới chiếm hơn 12% tổng dư nợ, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Trong đó, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng do các công ty tài chính thực hiện chiếm khoảng 7,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, còn lại do các định chế của ngân hàng thương mại thực hiện.
Mặt khác, tính đến hiện tại, thị trường tài chính tiêu dùng đang được đóng chiếm bởi 3 công ty lớn, gồm là FE Credit, HD Saison và Home Credit.
Tuy nhiên, ngoài 3 doanh nghiệp lớn này, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn được đánh giá là sân chơi hết sức sôi động, có tiềm năng phát triển mạnh.
Nhiều dư địa, phân khúc rộng mở
Minh chứng rõ nhất cho nhận định này chính là sự tham gia của nhiều thành viên mới trong thời gian gần đây, trong đó có những cái tên nổi bật như VsetCredit, Mcredit, Lotte Finance, Mirae Asset Việt Nam, công ty tài chính Shinhan Việt Nam,… Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng công ty tài chính đang hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên, con số này không ngừng tăng theo thời gian và trong đó có cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí là 100% vốn nước ngoài.
Thực tế này cho thấy, lượng cầu vay tiêu dùng tại Việt Nam đang tăng kéo theo sự gia tăng của các đơn vị cung ứng.
Đánh giá về thị trường, không ít chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng nguyên nhân của hoạt động tín dụng tiêu dùng tăng cao và có tiềm năng phát triển chủ yếu do dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao khiến gia tăng nhu cầu về nhà ở. Đồng thời, do người dân chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng, và có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống. Hơn nữa, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được hưởng lợi từ mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, nhu cầu tiêu dùng lớn, hệ thống tổ chức tín dụng ngày càng phát triển, đa dạng hóa hoạt động theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đơn cử, công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính VsetCredit - thành viên của Tập đoàn VsetGroup, tuy mới tham gia thị trường (thành lập tháng 11/2020) nhưng đã giải ngân cho vay được hơn 500 tỷ đồng, mang về mức lợi nhuận 100 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Đại diện công ty này cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu giải ngân cho vay đạt 1.000 tỷ trong cả năm nay và lợi nhuận đạt 200 tỷ đồng.
Có thể thấy, bên cạnh hoạt động của 3 công ty tài chính nói trên, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa, nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khác thỏa sức hoạt động, khẳng định vị thế.
Cuộc cạnh tranh này sẽ ngày càng sôi nổi và có nhiều thay đổi khi các doanh nghiệp xác định đúng phân khúc cho mình, đồng thời có nhiều chính sách tiếp cận thị trường nhanh nhạy trong thời gian tới.