Công ty Xổ số tiêu tiền nhà nước như... trúng số!

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo số 149/BC - TTCP về kết quả kiểm tra lại kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hậu Giang trước đó về hoạt động của Công ty TNHH MTV XSKT Hậu Giang và chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng ở Công ty này.

Theo kết luận 03 của UBND tỉnh Hậu Giang ngày 16/8/2013 thì từ 2010 đến quý 1/2013, Công ty XSKT tỉnh này đã chi tiêu tài chính không đúng chế độ, chính sách với số tiền 1,5 tỷ đồng.

 

Trụ sở Công ty XSKT Hậu Giang - nơi xảy ra các sai phạm
Trụ sở Công ty XSKT Hậu Giang - nơi xảy ra các sai phạm

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Ghế sếp ngân hàng lớn nào “nóng” nhất?

Sacombank muốn chia 100 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông

Hà Nội yêu cầu làm rõ vụ 'khu tái định cư mới xây đã xuống cấp'

Vì sao nữ đại gia bất động sản Vũng Tàu bị bắt?

Tuy nhiên kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Quy chế hoạt động kinh doanh của công ty có nhiều nội dung chưa phù hợp với quy định tại Thông tư 65/2007/TT-BTC ngày 18/6/2007 của Bộ tài chính. Quy chế chi tiêu nội bộ không quy định chế độ, định mức tiếp khách, thủ tục tạm ứng và thanh toán các khoản tạm ứng trong chi tiêu thường xuyên. Tổng số tiền chi phí không đúng chế độ, chính sách từ 2010 đến quí 1/2013 là 7,5 tỷ đồng.

 

Kết luận của Thanh tra chính phủ cũng nêu rõ: Qua hồ sơ cho thấy các khoản chi sai trên gồm: Chi hỗ trợ các tổ chức như Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ƯBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và một số cá nhân ngoài công tỵ dưới hình thức thanh toán các hóa đơn, chứng từ tiêp khách, mua văn phòng phẩm, mua xăng…

 
Trong tổng số tiền chi sai chế độ nêu trên có các khoản hỗ trợ, tài trợ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hậu Giang hơn 4,3 tỷ đồng. Cụ thể, chi cho Ban chỉ đạo Tây Nam bộ 700 triệu đồng. Thậm chí, ông Phạm Tuấn Khanh – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh không phải là người của Công ty cũng tạm ứng đến 600 triệu đồng để chi phí cho hoạt động của UBND tỉnh…

Giá trị tài sản thế chấp của 111 đại lý tại thời điểm tháng 3/2013 là trên 205 tỉ đồng, trong đó bằng nguồn tiền mặt trên 185 tỉ đồng. Thực chất số tiền mặt này là tiền của Công ty chứ không phải của các đại lý thế chấp.

Ngoài ra, Công ty đã ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Phòng kế toán kiêm thủ quỹ Công ty dùng 33 tỉ đồng cho Công ty cổ phần in Cần Thơ vay với lãi suất 8%/năm; Số tiền còn lại gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại để lấy lãi. Số tiền lãi thu được trong 3 năm (2010-2012) là gần 36 tỷ đồng.

Công ty báo cáo số tiền trên được sử dụng vào các việc: Bổ sung thế chấp đại lý; Chi phát triển thị trường; Chi lãi cuối năm cho đại lý và chi khen thưởng đại lý. Tuy nhiên, qua kiểm tra hợp đồng giữa đại lý với Công ty thấy không có quy định, thỏa thuận về việc sử dụng khoản tiền mặt thế chấp; không thấy biên bản thỏa thuận khác giữa đại lý với Công ty về sử dụng khoản tiền lãi gửi tiết kiệm; nhiều đại lý không biết về khoản tiền lãi phát sinh từ tiền mặt thế chấp được Công ty gửi ngân hàng.

Thanh tra Chính phủ cũng kết luận: Việc sử dụng tiền lãi với số lượng lớn vừa nêu có dấu hiệu không minh bạch. Ngoài ra, việc sử dụng tiền của Công ty để cho vay, gửi tiết kiệm đứng tên cá nhân là không đúng quy định quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước.

Kết luận số 03 của UBND tỉnh Hậu Giang trước đó có nêu sơ qua việc mua đất xây dựng văn phòng tại Quận 5 TPHCM và việc mua đất xây dựng trụ sở tại TP Vị Thanh thực hiện chưa đúng quy định về trình tự thủ tục.

Qua kiểm tra lại của Thanh tra Chính Phủ cho thấy việc này sai phạm rất trầm trọng, cụ thể: Công ty đã không ký hợp đồng thuê đất của Nhà nước  đã được UBND tỉnh chấp thuận cho thuê khu đất có vị trí đẹp, thuận lợi, đã được giải phóng mặt bằng, diện tích rộng hơn (5.000m2) với giá rẽ, thời gian trả tiền thuê đất kéo dài mà tự ý mua đất của cá nhân chỉ 1.067m2 nhưng số tiền lên đến 4,4 tỷ đồng nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang bị thế chấp ở ngân hàng.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc để xảy ra các sai phạm nêu trên, trách nhiệm còn thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Hậu Giang (giai đoạn 2010-2013), trực tiếp là Sở Tài chính với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành và UBND tỉnh Hậu Giang với vai trò là chủ sở hữu Công ty.

Bên cạnh đó, kết luận 03 cũng chưa kiến nghị những giải pháp căn bản để chấm dứt các sai phạm và chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của Công ty, chấn chỉnh việc các cơ quan, tổ chức thuộc Tỉnh ủy và UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí không đúng quy định nhà nước.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Hậu Giang chuyển cơ quan chức năng làm rõ việc mua đất tại TP Vị Thanh và việc sử dụng gần 36 tỉ đồng tiền lãi có dấu hiệu không minh bạch. Nghiêm túc chỉ đạo và thực hiện kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan được nêu qua thanh tra, kiểm tra lại và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm. 

Hoàng Tùng

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước