Công ty bầu Đức lỗ đậm, báo nợ gần 20.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Với mức lỗ ròng 9 tháng đã lên tới xấp xỉ 690 tỷ đồng, HAGL Agrico vẫn đầu tư mạnh vào cao su. Với việc mua vào một loạt doanh nghiệp, cổ phần doanh nghiệp trong ngành này, lưu chuyển tiền thuần của HAGL Agrico trong kỳ bị âm hơn 220 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả gần 20.000 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - mã chứng khoán: HNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III và 9 tháng đầu năm 2016.

Theo đó, trong quý III năm nay, doanh thu thuần hợp nhất của HNG giảm mạnh 47% so với cùng kỳ, chỉ đạt 981,9 tỷ đồng (mặc dù báo cáo riêng của công ty mẹ cho thấy chỉ tiêu này tăng vọt lên 40,6 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ năm 2015 và đưa tổng doanh thu lũy kế 9 tháng lên 80,5 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ).

Do giá vốn chiếm tỷ trong lớn nên lợi nhuận gộp của HNG trong quý III chỉ còn 68,2 tỷ đồng (chỉ bằng 13% so với cùng kỳ 2015). Doanh thu hoạt động tài chính quý III ghi nhận mức khiêm tốn gần 95 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của HAGL Agrico đang ngày càng khó khăn
Hoạt động kinh doanh của HAGL Agrico đang ngày càng khó khăn

Sau khi khấu trừ chi phí hoạt động (chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp), HNG bị âm 173 tỷ đồng chỉ tiêu lợi nhuận thuần (quý III/2015, công ty có lợi nhuận thuần 383 tỷ đồng).

Khoản lợi nhuận khác ít ỏi 48,5 tỷ đồng không thể cải thiện kết quả cuối cùng cho doanh nghiệp. Kết thúc quý III năm nay, HNG lỗ trước thuế 124,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 382 tỷ đồng), đưa mức lỗ trước thuế 9 tháng lên mức 696,3 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 997 tỷ đồng).

Lỗ ròng ghi nhận trong quý III là 127,2 tỷ đồng (cùng kỳ 2015 lãi ròng 385,6 tỷ đồng); 9 tháng lỗ ròng 686,7 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng 987,2 tỷ đồng). Riêng lỗ thuộc về công ty mẹ gần 125 tỷ đồng.

Sau 9 tháng, tổng tài sản HNG tăng hơn 3.300 tỷ đồng, đạt 30.455,8 tỷ đồng vào thời điểm 30/9/2016, song là nhờ tăng tài sản dài hạn. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn lại giảm 681 tỷ đồng còn 6.539,8 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả 19.837 tỷ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm, trong đó, riêng nợ ngắn hạn đã là 9.614,5 tỷ đồng, tăng gần 37% so với thời điểm 31/12/2015. Giá trị nợ ngắn hạn cũng đã vượt qua giá trị tài sản ngắn hạn gần 3.100 tỷ đồng.

Trong quý III, áp lực lãi vay tiếp tục đè nặng lên HNG khi chi phí lãi vay lên tới 179,1 tỷ đồng, tăng 64% so với quý III/2015. Qua đó, đẩy chi phí lãi vay 9 tháng lên 540 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ).

Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm, HNG cũng đã vốn hóa các chi phí lãi vay là 405,3 tỷ đồng vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Các khoản chi phí đi vay này phát sinh từ các khoản vay ngân hàng và trái phiếu để sử dụng cho việc xây dựng và phát triển các nhà cửa và vật kiến trúc, máy móc thiết bị, vườn cây cao su, cọ dầu.

Chi 1.650 tỷ đồng thâu tóm Cao su Đông Dương

Đáng chú ý, kết thúc 9 tháng đầu năm, lưu chuyển tiền thuần của HNG bị âm 221,5 tỷ đồng, chủ yếu là do lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư bị âm 2.807,8 tỷ đồng.

Trong kỳ, HNG đã chi gần 1.200 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác vào hơn 2.235 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác. Tiền trả nợ gốc vay, mượn cũng lên tới trên 2.820 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, trong năm nay, công ty đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ phần vốn góp, tương đương với 100% quyền sở hữu trong Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương từ Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh (tỷ lệ góp vốn 52,83%) và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh (tỷ lệ góp vốn 47,17%). Tổng giá phí hợp nhất kinh doanh là 1.650 tỷ đồng. Theo đó, Cao su Đông Dương đã trở thành công ty con của HNG.

Ngoài ra, trong kỳ, công ty cũng đã mua thêm 285.081 cổ phần, tương ứng 1,34% quyền sở hữu trong CTCP Cao su Bidiphar từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (công ty mẹ) với tổng giá mua là 12,8 tỷ đồng và chia khoản lỗ từ công ty này là 13,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty con của HNG là Công ty CP Bò Sữa Tây Nguyên đã mua lại 14,85 triệu cổ phần, tương đương với 18,56% quyền sở hữu trong Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai từ Công ty Đầu tư Bất động sản An Phú với tổng giá mua là 550 tỷ đồng, tăng tỷ lệ sở hữu từ 4,9% lên 23,46%.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm