Công ty bảo hiểm đóng cửa: Khách hàng sẽ đi về đâu?
Bộ Tài chính cho biết Allianz VN - công ty bảo hiểm phi nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN - đang sắp xếp để rút khỏi thị trường. Đây là lần đầu tiên một công ty BH muốn đóng cửa nên có khá nhiều vấn đề đặt ra xung quanh việc giải quyết quyền lợi cho các khách hàng đang tham gia BH tại Allianz.
Ì ạch
Năm 1999 Công ty Allianz-AGF được cấp phép thành lập với số vốn đầu tư 7,5 triệu USD, trở thành công ty BH 100% vốn nước ngoài đầu tiên nhận giấy phép hoạt động tại VN. Đây là liên doanh giữa hai tập đoàn BH quốc tế Allianz và AGF (Pháp). Năm 2002, AGF đã chuyển hết phần hùn cho Allianz và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) trở thành đối tác mới với 15% vốn góp. |
Vì sao Allianz lại muốn đóng cửa vào thời điểm mà theo đánh giá của các chuyên gia là thị trường đang đi vào phát triển chiều sâu? Một nguồn tin thân cận của công ty cho biết có thể lãnh đạo Tập đoàn Allianz (Đức) muốn cơ cấu lại hoạt động và tập trung vào những thị trường hiệu quả hơn.
Theo một chuyên gia trong ngành, trong lúc các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực BH nhân thọ có sự bứt phá đáng kể, thậm chí vượt qua cả “đại gia” Bảo Việt chỉ trong vòng năm năm, thì tình hình ở lĩnh vực phi nhân thọ hoàn toàn trái ngược. DN “lớn tuổi” nhất (1996) và hoạt động thành công nhất là Công ty liên doanh BH quốc tế VN (VIA) chỉ chiếm 2,21% thị phần.
Công ty BH Liên hiệp (UIC) xếp thứ hai với 2% thị phần và Allianz chiếm vị trí kế tiếp với 1,66% thị phần. Tổng thị phần của bảy DN có vốn đầu tư nước ngoài là 7%, 93% còn lại được bảy DN nhà nước và cổ phần chia sẻ, thị phần của các DN nước ngoài tiếp tục thu hẹp trong sáu tháng đầu năm 2005, chỉ còn 5,7%.
Một chuyên gia BH cho biết một trong những lý do dẫn đến việc khối nước ngoài hoạt động ì ạch là vì chính sách kinh doanh của họ không cho phép trả hoa hồng cho khách hàng mua BH. “Nếu khách hàng đòi hoa hồng, chúng tôi đành buông luôn hợp đồng đó. Khổ nỗi hầu hết DN trong nước mua BH đều đặt điều kiện này” - lãnh đạo một công ty liên doanh nhìn nhận.
Một thành viên trong cuộc chuyển nhượng Allianz VN tiết lộ đây chính là nguyên nhân sâu xa để Tập đoàn Allianz muốn rút khỏi VN. “Allianz cảm thấy rằng ở VN, cơ hội cho họ phát triển rất khó vì thị trường dường như bị nhuốm màu... hoa hồng, trong khi tập quán kinh doanh không cho phép họ làm điều đó” - ông này cho biết.
Chuyển giao “lời hứa”?
Theo một nguồn tin đáng tin cậy tại Allianz VN, đơn vị dự tính sẽ mua lại toàn bộ công ty là Công ty BH Việt-Úc (BIDV-QBE), công ty liên doanh giữa Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và Tập đoàn BH QBE của Úc. BIDV-QBE đã nộp đơn lên Bộ Tài chính để xin ý kiến về thương vụ này.
“Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của hai bên, bộ không gây bất kỳ khó khăn nào và hết sức hỗ trợ” - một quan chức của Bộ Tài chính nhấn mạnh. Một cán bộ của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) khẳng định vốn góp của IFC cũng sẽ được bán cùng với số vốn của Allianz.
Nếu Allianz ra đi, quyền lợi của hàng trăm khách hàng đang tham gia BH tại công ty sẽ được giải quyết như thế nào? Đây là điều chưa từng có trong ngành BH VN nên Bộ Tài chính phải đi những bước rất thận trọng. Một chuyên gia BH cho biết nếu hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng, Allianz sẽ chuyển giao những hợp đồng BH còn hiệu lực cho BIDV-QBE.
Những hợp đồng nào rơi vào những sản phẩm, nghiệp vụ mà BIDV-QBE chưa cung cấp trên thị trường, công ty sẽ tiến hành đăng ký với Bộ Tài chính. Nhưng sẽ có những hợp đồng theo BIDV-QBE là rủi ro quá cao hoặc không phù hợp với chiến lược kinh doanh của công ty thì hai bên sẽ “trả” lại cho Bộ Tài chính - cơ quan này sẽ đứng ra giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Bán một hợp đồng BH thực chất là bán một lời hứa, vì thế chuyển giao hợp đồng BH cho một DN khác là chuyển giao một lời hứa, một cam kết, một trách nhiệm. Nhiều chuyên gia BH nhận xét rằng việc chuyển giao này cũng hàm chứa rủi ro cho phía BIDV-QBE, nhưng bù lại với số hợp đồng mới tiếp nhận được, công ty sẽ vươn lên chiếm vị trí thứ hai trong khối DN có vốn đầu tư nước ngoài từ vị trí thứ tư hiện nay.
Theo Luật kinh doanh BH, nếu một DN BH giải thể, sáp nhập..., DN này phải chuyển giao toàn bộ hợp đồng BH của một hoặc một số nghiệp vụ BH cho DN khác. Nếu hai bên không thỏa thuận được, Bộ Tài chính sẽ đứng ra chỉ định DN BH nhận chuyển giao. Khi đó các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng BH không thay đổi cho đến khi hết thời hạn hợp đồng và việc chuyển giao hợp đồng phải kèm theo việc chuyển giao các quĩ và dự phòng nghiệp vụ liên quan. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận việc chuyển giao, DN chuyển giao phải công bố về việc chuyển giao và thông báo cho bên mua BH về văn bản. |
Theo Tuổi trẻ