Công nghiệp hỗ trợ sẽ hết cảnh “đốt đuốc tìm đường”?
(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT, Bộ đang tìm mọi cách tháo gỡ nút thắt nhằm “sánh bước” cùng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chấm dứt tình trạng DN phải lận đận "đốt đuốc tìm đường", lận đận chen chân vào chuỗi cung ứng.
Sắp tới, các doanh nghiệp (DN), dự án đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sẽ được hưởng các ưu đãi đặc biệt từ Bộ ngành đến các địa phương và Ngân hàng. Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT, tháo gỡ nút thắt về đầu tư CNHT như: vốn, cơ sở vật chất, liên kết ngành… đang được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất. Bộ đang kết hợp với các đơn vị liên quan, các khu vực nhằm “sánh bước” cùng doanh nghiệp (DN), chấm dứt tình trạng DN phải lận đận đốt đuốc tìm đường, lận đận chen chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.
Ngân hàng rộng cửa vốn
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cam kết cho vay hơn 70% vốn cho DN, Bà Đào Xuân Anh - Phó tổng VDB cho biết VDB sẽ hỗ trợ lãi suất 10,5% trong 12 năm vay vốn cho các DNHT xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt hơn, các DN đạt tiêu chuẩn vay vốn sẽ được vay đến 70% giá trị của dự án tại VDB.
Một Ngân hàng khác là Ngân hàng Cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho biết cụ thể hơn về số vốn khoảng 1.000 tỷ đồng cho các DN CN Hỗ trợ vay vốn với hình thức tín chấp bằng các loại tài sản đảm bảo. Theo lãnh đạo của TPBank, Ngân hàng sẽ ưu đãi lãi suất 8%/năm với VNĐ và 3,2%/năm với USD cho các DN CN HT, cắt giảm 40% chi phí và thủ tục vay vốn. Các ngành ưu tiên là tin học, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may - da giày...
Theo bà Anh: VDB không đưa con số cụ thể, nhưng đưa thời gian vay vốn kéo dài ra cho các DN, đây là thực tế bởi nhiều NH dễ cung vốn ngắn hạn nhưng lại e dè vốn trung và dài hạn cho DN, trong khi vốn trung và dài hạn mới là điều mà các DN cần. VDB chỉ kéo dài được 12 năm bởi vì số vốn của NH này cũng không có nhiều mà phải phục vụ các dự án xóa đói giảm nghèo khác.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA). Kéo vốn về cho các DN là yêu cầu được đặt ra bức thiết nhất hiện nay. “Hiệp hội thành lập được 2 năm nhưng đến nay đã có hàng trăm hội viên là các DN hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ. Về mô hình, đây là mô hình liên kết DN CNHT đầu tiên trên cả nước, và chúng tôi muốn là đầu mối để thực hiện thí điểm các mô hình hợp tác ba bên: DN có nhu cầu - Ngân hàng và DNHT”.
Doanh nghiệp muốn giải pháp cụ thể
Theo ông Đặng Huy Đông - Phó trưởng Ban kinh tế TƯ, Thứ trưởng Bộ KHĐT, Bộ ngoài việc làm đầu mối về vốn, sắp tới các chính sách xúc tiến thị trường, tiếp cận yêu cầu và chuẩn kỹ thuật của DN nước ngoài sẽ được làm triệt để: “Bộ sẽ làm việc với các địa phương để xây dựng các cụm, khu công nghiệp phục vụ riêng cho CNHT với ưu đãi đặc biệt, đặc thù về vốn, cơ sở hạ tầng và liên kết chuỗi ngành dọc... Mô hình HANSIBA sẽ là điển hình đầu tiên cho các DN Hà Nội, Bộ KHĐT sẽ thực hiện ở các địa phương đặc thù ví dụ như điện tử, linh kiện điện tử ở Bắc Ninh - Hải Dương; dệt may ở Hải Phòng - Nam Định, cơ khí chế tạo ở Bình Dương – Đồng Nai chẳng hạn…”
Đại diện Công ty Tầm nhìn Việt chia sẻ: “Đối với các Cty hoạt động cung ứng thiết bị, đầu tư vốn là rất lớn, phải 5 năm mới có lãi. Nên nếu chỉ cho vay khoảng 5 - 10 năm như hiện nay thì chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ. ”.
Các ưu đãi của Ngân hàng đang tạo niềm tin cho DN, song NH cũng cần xem xét đến các yếu tố quy mô nhỏ và vừa, lợi nhuận thấp, chi phí đầu tư cao để có cơ chế khuyến khích. “Nhà nước cần làm mối cho chúng tôi để chúng tôi tiếp cận cụ thể các điều kiện, quy tắc kỹ thuật của các DN lớn đề ra, chứ nếu chỉ mãi sản xuất theo những gì chúng tôi có như hiện nay thì rất khó để lọt vào mắt xanh của họ”