Con đường tơ lụa ngày nay: Sự trỗi dậy của Trùng Khánh và tuyến đường sắt hồi sinh

(Dân trí) - Không phải ngẫu nhiên mà sau 6 thế kỷ lãng quên, Con đường Tơ lụa lại được tái sinh, nối miền Tây Trung Quốc và châu Âu. Chủ yếu do giá xăng dầu lên cao đã khiến chi phí vận tải hàng không đắt cắt cổ trong khi đường biển thì trì trệ.

Sự trỗi dậy của Trùng Khánh

Sự trỗi dậy của Trùng Khánh

Vốn là thủ đô thứ hai của Chính phủ Quốc dân Đảng trong Thế chiến II, Trùng Khánh nay là một khu vực công nghiệp quan trọng phía tây Trung Quốc. Số dân thành thị ở Trùng Khánh đang tiến tới con số 13 triệu người, trong khi đó số dân sống ở vùng nông thôn lân cận cũng đã lên tới 15 triệu.

Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã bắt đầu mở cửa mậu dịch Trung Quốc để thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ những năm 70 thế kỷ trước. Và trong 1/4 thế kỷ tiếp theo, cư dân Trùng Khánh dần rời bỏ quê hương để tìm một công việc tốt hơn ở các thành phố bờ phía Đông. 

Tuy nhiên trong những năm gần đây, Trùng Khánh lại trỗi dậy trở thành một trung tâm công nghiệp phía tây Trung Quốc, thu hút rất nhiều công ty đa quốc gia, như gã khổng lồ ngành hóa chất BASF, và hãng ô tô Mỹ lâu đời Ford. 

Vài năm trước, HP cũng đã tiến những bước đi đầu tiên, dịch chuyển khu sản xuất chế tạo từ Thượng Hải về phía tây. Hiện nay hãng này thu hút 8 vạn nhân công tại Trùng Khánh, tạo ra 20 triệu máy tính cá nhân, 15 triệu máy in hàng năm.

Foxconn, một hãng sản xuất linh kiện điện tử Đài Loan, có tới 16 vạn công nhân làm việc tại tỉnh Thành Đô, một thành phố gần Trùng Khánh sau khi chuyển cơ sở sản xuất từ đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Tại đây Foxconn sản xuất chủ yếu là iPad.

Tonny Prophet, phó giám đốc H.P cho biết rằng, H.P đã nghĩ tới việc chuyển các nhà máy sản xuất về Trùng Khánh ngay khi hãng này bắt đầu vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa. Theo ông Prophet, H.P thay vì thu hút nhân công từ nội địa ra phía đông, thì đang theo đuổi một chiến dịch sản xuất sản phẩm ngay tại đây và từ đó phân phối sản phẩm ra toàn cầu.

Đối phó với giá xăng dầu

Để thu hút H.P, Trùng Khánh đã xây dựng thêm một đường bay đủ dài để phục vụ máy bay chở hàng Boeing 747. Chuyển hàng từ đây tới châu Âu chỉ tốn có 1 tuần.

Tuy nhiên, giá xăng dầu tiếp tục lên cao khiến cho chi phí vận tải hàng không ở mức cắt cổ, đắt hơn 7 lần so với đường sắt. H.P cũng lo ngại về lượng phát thải khí carbon của máy bay, gấp 30 lần so với đường sắt hay đường biển. 

Vận tải máy tính bằng đường bộ tới bờ biển và sau đó chuyển lên tàu đồng nghĩa với đẩy cao chi phí lưu hàng dọc theo biển Đông và biển Ấn Độ. 

Thêm vào đó, sự trì trệ và chậm chạp của đường biển khiến cho H.P khó lòng thay đổi chiến lược giá đối với thị trường châu Âu nếu các đối thủ cạnh tranh giành được những kỹ thuật sản xuất mới. Đó là nguyên nhân tại sao H.P tìm cách vận chuyển hàng về phía Tây, xuyên qua Kazakhstan.

Tổng thống Kazakhstan, Nursultan A.Nazarbayev là một trong những người cổ vũ ý tưởng này.Tháng 12 năm ngoái, ông đã kêu gọi Chính phủ nâng cấp hệ thống đường sắt, khơi dậy lại vai trò lịch sử của Kazakhstan chính là con đường mậu dịch Á-Âu. 

Ông nói, “Chúng tôi đang tái sinh Con đường Tơ lụa” bằng cách “xây dựng lại hành lang kết nối Tây Trung Quốc và Châu Âu”.

Sự trỗi dậy của Trùng Khánh

Kazakhstan hiện có hơn 14.000 km đường tàu và vẫn đang nhanh chóng xây dựng nhiều tuyến đường sắt hướng về phía đông đi tới biên giới Trung Quốc và hướng về phía nam tới Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tin rằng tình hình chính trị của Iran sẽ được cải thiện, Phó Chủ tịch phụ trách logistic của hãng đường sắt quốc gia Kazakh National Railways, ông Kanat K.Alpysbeyev nói, mục đích của những tuyến đường sắt này là kết nối Trung Quốc với Iran thông qua Turkmenistan. 

Chính phủ Kazashstan cũng đang đàm phán với Afghanistan nhằm cải thiện và cải thiện hệ thống đường sắt tại nước này, nơi các công ty Trung Quốc đang xây dựng những mỏ khai thác đồng khổng lồ.

Nỗ lực vận chuyển nhiều hàng hóa hơn từ Trung Quốc sang châu Âu bằng đường sắt nhận được nhiều sự ủng hộ từ nhiều phía mặc dù ban đầu những lợi ích từ con đường Tơ lụa này ít được biết đến. 

Cơ hội sản xuất

Kazakhstan, Nga và Belarus đã tạo ra một khu mậu dịch tự do bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2012. Điều này làm giảm thiểu thủ tục kiểm tra nhập cảnh đầy phiền phức giữa biên giới các nước, qua đó tiết kiệm thời gian chuyên chở và nguy cơ bị trộm hàng hóa.

Hệ thống đường sắt Kazakhstan ban đầu đã thúc đẩy sự cạnh tranh mạnh mẽ trong khu vực. Ngày 21/6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định dành một lượng ngân sách 43 tỉ USD tập trung cải thiện tích cực hệ thống đường sắt nối nước này với Trung Quốc đặc biệt là khu vực Siberi. 

Sự cạnh tranh này đặc biệt có tác động tốt cho những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc như H.P.

Chuyến du hành của những chiếc máy tính và linh kiện của H.P bắt đầu tại Trùng Khánh với những công nhân như Zheng Xiaoxue - một thiếu nữ 18 tuổi. Cô lớn lên với bố mẹ tại khu ngoại ô Trùng Khánh, bố mẹ cô chuyển tới thành phố Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông để làm việc cho một công ty sản xuất nhựa dẻo plastic nơi họ có mức thu nhập lên tới 500 USD/tháng. Tuy vậy bố mẹ cô nay đã trở về và phàn nàn rằng thức ăn ở đó thì quá nhạt và không ngon bằng đồ ăn Tứ Xuyên. 

Zheng Xiaoxue thay vào đó đã kiếm một công việc gần nhà với mức lương chỉ có 190 USD/tháng. Cô làm cho một công ty Đài Loan, sản xuất máy tính xách tay cho H.P.

Trong một bữa ăn gồm cải bắp và thịt gà tại nhà máy, Cô Zheng vui vẻ chia sẻ: “Ở chỗ làm, chúng tôi nói tiếng Quan Thoại (là tiếng mà người Đài Loan dùng). Nhưng tan việc, chúng tôi lại giao tiếp bằng tiếng địa phương Tứ Xuyên, bởi vì hầu hết chúng tôi là người Tứ Xuyên”

Đối với chiếc tàu mà anh Kulyenov lái, 43 container của H.P sẽ được công nhân chất đầy laptop đã sản xuất hoàn thiện. Những container này được H.P sơn màu xanh cửu long, mỗi chiếc dài hơn 12 mét, rộng gần 2,5 mét và cao gần 3 mét. 

Tương tự, 7 chiếc container khác cũng được chất đầy màn hình máy tính. 50 container được niêm phong cẩn mật và khóa nhiều tầng. Chúng được chất lên từ nhà ga Trùng Khánh và rời nơi này vào ngày 14/6.

Phải tốn mất 5 ngày để đoàn tàu này, chuyên chở mỗi hàng điện tử của HP vượt qua chặng đường hơn 3000 km hướng về phía tây để chạm tới biên giới Kazakhstan.

(Còn nữa)
Bích Diệp
Theo NewYork Times