“Cơn bão” nấm Hàn Quốc
Khi đang phải giành giật thị phần với nấm Trung Quốc, vốn đã chiếm lĩnh thị trường nhờ giá rẻ, nấm Việt tiếp tục phải cạnh tranh với đối thủ mới là nấm Hàn Quốc.
Tăng trưởng 3 con số
Sáng 28/4, tại khu vực rau quả tươi ở Maximark 3 Tháng 2 (TP HCM), một nhóm bạn trẻ đi cùng đã kháo nhau “rẻ quá!” khi lựa nấm cho món lẩu và quyết định chọn một lúc gần chục bịch cho vào giỏ hàng. Những bịch nấm này đều nhập từ Hàn Quốc với đủ các chủng loại: kim châm, đùi gà, linh chi trắng, linh chi nâu…
Ông Trần Văn Chúc, Giám đốc ngành thực phẩm tươi sống Lotte Mart Việt Nam, cho biết nấm thuộc nhóm mặt hàng giải nhiệt nên tiêu thụ rất tốt trong thời điểm nắng nóng như hiện nay. Lotte Mart (trừ khu vực phía Bắc) vừa tung ra thị trường sản phẩm nấm Hàn Quốc được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP (sản xuất thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) với giá bán ưu đãi nên doanh thu tăng 420%.
Trong khoảng 20 loại nấm đang được bán tại Lotte Mart thì nấm Hàn Quốc có lợi thế về giá. Cụ thể, nấm kim châm có giá bán chỉ 13.500 đồng (200 g), nấm đùi gà 22.500 đồng (200 g), nấm yến 25.000 đồng (200 g). Không cạnh tranh trực tiếp vì không cùng chủng loại nhưng với giá mềm như vậy, người tiêu dùng quen sử dụng các dòng nấm trồng trong nước như nấm rơm, bào ngư dễ dàng mua nấm ngoại để thay thế. Tại các siêu thị, nấm rơm đang có giá bán tới 100.000-125.000 đồng/kg, nấm bào ngư xám 70.000-75.000 đồng/kg.
Ngoài sản phẩm đơn lẻ còn có nấm hỗn hợp, trên bao bì ghi chữ cỡ lớn lẩu nấm Hàn Quốc hoặc lẩu nấm Việt - Hàn. Trong khi đó, các sản phẩm cùng loại dùng nguyên liệu Trung Quốc chỉ ghi chung chung là lẩu nấm hoặc lẩu nấm thiên nhiên, thông tin xuất xứ thì người tiêu dùng phải đọc kỹ trên nhãn mới thấy được chữ “made in China” nhỏ xíu.
Theo ông Chúc, Hiệp hội Nấm Hàn Quốc đang “trợ giá” cho nấm xuất khẩu sang Việt Nam để tìm hiểu nhu cầu thị trường. Vì thế, người tiêu dùng Việt đang được sử dụng nấm nhập khẩu với giá rất tốt.
Tìm hướng đi riêng
Bà Lê Hà Mộng Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Sinh học Nấm Việt, cho biết thị phần nấm nội địa đang tăng 10%-12% do người tiêu dùng có xu hướng dùng nấm trong bữa ăn nhiều hơn. Do điều kiện tự nhiên, Việt Nam chỉ trồng được khoảng 10 loại nấm ăn như: nấm hương (đông cô tươi), nấm rơm, nấm mèo, nấm mỡ, nấm bào ngư các loại.
Theo bà Ngọc, sự lép vế của nấm Việt có phần lỗi do nhà sản xuất vì chưa biết làm thị trường khiến người tiêu dùng chưa biết nhiều đến nấm Việt ngon và sạch ra sao. “Công ty đang nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng thay vì bán thô như hiện nay” - bà Ngọc nói.
Nấm Trung Quốc ẩn mình Theo những người làm lâu năm trong ngành, trước giờ nấm Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị trường do chủng loại đa dạng, giá rẻ và nhất là lâu hư. Thống kê năm 2014 cho thấy nấm Trung Quốc chiếm hơn 70% sản lượng nhập khẩu từ các nước. Tại chợ truyền thống, các loại nấm Trung Quốc như: đùi gà, kim châm, linh chi nâu, linh chi trắng, đông cô được bán khá nhiều và được các công ty nhập khẩu đóng gói thành các túi nhỏ 150-300 g, thoạt nhìn cứ tưởng hàng nội vì ghi toàn tiếng Việt, phải xem thật kỹ mới thấy hàng chữ nhỏ “xuất xứ Trung Quốc”. Điều đáng lưu ý là trong khi nấm rơm và bào ngư của Việt Nam dạng xá, không đóng gói chỉ bán được nửa ngày, đến chiều là hư thì nấm Trung Quốc dù chỉ đóng trong túi ni-lông mỏng ghi rõ bảo quản từ 5-10 độ C nhưng để với nhiệt độ thường vài ngày nhìn vẫn tươi như vừa hái. |