Có tiền vẫn khó tiêu

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho biết, tiến độ giải ngân 9 tháng đầu 2007 chỉ đạt 34% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, dự án nhóm A chỉ đạt 36% kế hoạch cả năm.

Theo Quyết định 108/2006/QĐ - TTg của Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được thành lập trên cơ sở Quỹ Hỗ trợ phát triển và chính thức hoạt động từ 1/7/2006.

Tính đến 30/9/2007, tổng nguồn vốn huy động của VDB lên tới 80.200 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ chiếm 6,2% (khoảng 5.000 tỷ đồng).

Là ngân hàng chính sách nên đối tượng giải ngân của VDB tập trung vào cho vay đầu tư dự án công, cho vay hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ sau đầu tư, cấp phát và cho vay uỷ thác với khá nhiều ưu đãi về lãi suất, thời hạn trả nợ và điều kiện thế chấp so với cho vay từ các ngân hàng thương mại cổ phần (mặc dù thủ tục nặng nề hơn). Trong đó, hoạt động cho vay đầu tư và cho vay hỗ trợ xuất khẩu là hai nghiệp vụ cơ bản, chiếm tỷ trọng dư nợ giải ngân khá lớn.

Cụ thể, đối với cho vay đầu tư: VDB hiện đang quản lý cho vay, thu hồi nợ vay 5.475 dự án vốn trong nước, với tổng số vốn theo hợp đồng tín dụng đã ký gần 99.900 tỷ đồng, dư nợ trên 48.810 tỷ đồng (dự án nhóm A chiếm 41%) và 336 dự án vay vốn ODA với tổng số vốn vay theo hợp đồng tín dụng đã ký hơn 6,6 tỷ USD, dư nợ hơn 47.350 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tình hình giải ngân trong 9 tháng không đạt kế hoạch, mặc dù kế hoạch 2007, VDB đã bố trí giải ngân cho 339 dự án chuyển tiếp với số vốn trên 16.500 tỷ đồng, trong đó 68 dự án nhóm A trị giá 11.870 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc VDB cho biết: "Mặc dù chúng tôi đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn nhưng 9 tháng qua, giải ngân cho vay đầu tư chỉ đạt 34% so với chỉ tiêu Thủ tướng giao, dự án nhóm A chỉ đạt 36% kế hoạch của cả năm 2007".

Một điều khá nghịch lý là nếu như tiến độ giải ngân đầu tư chỉ đạt tỷ lệ thấp thì cho vay xuất khẩu lại khá cao. Theo đó, tín dụng xuất khẩu 9 tháng 2007 đạt 5.000 tỷ đồng, dư nợ đến 30/9/2007 đạt 2.845 tỷ đồng, dư nợ bình quân 9 tháng đạt 2.400 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch Thủ tướng giao.

Như vậy, nếu so sánh về số lượng tiền giải ngân giữa tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu trong 9 tháng qua thì tổng vốn giải ngân cho tín dụng đầu tư nhiều hơn (5.610 tỷ đồng so với 2.400 tỷ đồng) nhưng nếu xét về tỷ lệ thì lại thấp hơn (34% so với 96%).

Từ thực tế trên, không ít người lầm tưởng rằng, việc chậm tiến độ dự án công là do thiếu vốn nhưng trên thực tế, nguyên nhân lại do vướng mắc từ phía chính sách.

Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy