Cổ phiếu "sốt" khi tỷ phú Quyết "nhá hàng bom tấn"; GAS thành "tội đồ"
(Dân trí) - 2 tháng sau cú "khủng hoảng" cổ phiếu giảm sàn liên tục, mất thanh khoản thì đến mấy phiên gần đây, "họ" FLC lại hút dòng tiền. Trong khi đó, GAS lại là "tội đồ" của VN-Index phiên 17/3.
Hơn 40 triệu cổ phiếu FLC khớp trong phiên
Sau sự kiện hồi tháng 1, nhiều mã cổ phiếu trong "họ" FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết đã quay trở lại dưới vùng mệnh giá. Trong khoảng thời gian khá dài, những mã cổ phiếu này không còn mấy mặn mà với giới đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường dao động ở biên độ hẹp, dòng tiền đã tìm đến nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ và theo đó, "vua penny" là "họ" FLC đương nhiên không nằm ngoài xu hướng.
Đóng cửa phiên 17/3, hầu hết cổ phiếu thuộc "hệ sinh thái" FLC đều tăng giá. Trong đó, FLC tăng kịch biên độ trên sàn HoSE, thị giá đạt 13.650 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh "khủng" lên tới 41,55 triệu cổ phiếu, dư mua giá trần hơn 3 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, KLF tăng 6% lên 7.100 đồng/cổ phiếu; KLF tăng 3,9% lên 6.620 đồng/cổ phiếu; ROS tăng 3,9% lên 8.530 đồng/cổ phiếu; AMD tăng 3,5% lên 7.110 đồng/cổ phiếu; ART tăng 1,9% lên 11.000 đồng/cổ phiếu.
Mới đây, FLC vừa đề xuất đầu tư Khu đô thị nghỉ dưỡng Smart Eco City tại xã Tân Nhựt và xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh với quy mô 1.154 ha, tổng mức đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại vừa có thông báo về việc FLC đề xuất tham gia hợp tác nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng - một trong những dự án trọng điểm được lãnh đạo đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào quan tâm.
Theo báo cáo tài chính của FLC thì trong quý IV/2021, doanh thu thuần của tập đoàn này giảm tới 67% so với cùng kỳ, chỉ còn đạt 1.167 tỷ đồng và cũng là mức doanh thu thấp nhất hơn 5 năm qua. Lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng, giảm đến 99% so với quý IV/2020.
Lũy kế cả năm 2021, FLC đạt doanh thu thuần 6.772 tỷ đồng, giảm 50% so với năm 2020. Lợi nhuận cả năm xấp xỉ 84 tỷ đồng, giảm 73% so với năm trước.
Phiên đáo hạn phái sinh êm đềm, nhiều cổ phiếu nhỏ tăng trần
Phiên hôm nay, VN-Index tăng khiêm tốn 2,01 điểm tương ứng 0,14% lên 1.461,34 điểm. VN30-Index giảm 2,77 điểm tương ứng 0,19% còn 1.469,92 điểm; HNX-Index giảm 0,01 điểm còn 446,16 điểm và UPCoM-Index giảm 0,1 điểm tương ứng 0,09% còn 115,94 điểm.
Như vậy, thị trường trải qua một phiên giao dịch ngày đáo hạn phái sinh tương đối êm đềm, không có biến động lớn như lo ngại của phần lớn nhà đầu tư.
Tuy vậy, nhà đầu tư rất thận trọng trong phiên hôm nay. Thanh khoản sàn HoSE chỉ đạt 21.390,81 tỷ đồng với khối lượng giao dịch 717,43 triệu đơn vị. HNX có 102,19 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.494,52 tỷ đồng và UPCoM có 55,88 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.127,84 tỷ đồng.
Trong khi VN30-Index giảm điểm thì VNSML-Index của dòng cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng 20,88 điểm tương ứng 0,97% và VNMID-Index của dòng cổ phiếu vốn hóa trung bình tăng 2,94 điểm tương ứng 0,14%.
Toàn thị trường vẫn có tới 580 mã tăng giá, 54 mã tăng trần so với 431 mã giảm, 11 mã giảm sàn. Nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận ở những mã vốn hóa nhỏ, phân bổ tại nhiều ngành nghề.
Chẳng hạn tại ngành bất động sản, những mã nhỏ vẫn hút dòng tiền mạnh. Ngoài FLC còn có QCG, DRH, NVT, KHG, HQC, FDC. VPH cũng tăng 5,2%; DTA tăng 5%; SCR tăng 3,5%. Trong dòng tài nguyên cơ bản, HAP tăng trần lên 14.200 đồng; DLG cũng tăng 5%. Đại gia Trịnh Văn Quyết "nhá hàng bom tấn", cổ phiếu lại "sốt" trên sàn
Ngành thực phẩm và đồ uống chứng kiến diễn biến tăng trần tại BBC; HAG cũng tăng mạnh 5,2%; ASM tăng 3%. Các mã này trong phiên đều có thời điểm tăng trần trước khi hạ nhiệt cuối phiên. HNG tăng 3%; BAF tăng 2,9%; LSS tăng 2,7%.
Cổ phiếu ngành công nghệ thông tin hôm nay gây chú ý với sắc tím tại CMG và ST8 trên sàn HoSE; ONE, VTC trên sàn HNX. SAM cũng tăng 2,6%; SGT, ELC, FPT đều tăng giá. Cổ phiếu ngành bán lẻ cũng khởi sắc với DGW, PIT, CMV tăng trần, FRT tăng 6,9%; PET tăng 4,1%.
Đáng chú ý là trong dòng ngân hàng, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn lại có diễn biến tích cực, như BID tăng 4,6%; CTG tăng 2,2%; SHB tăng 1,6%; HDB tăng 1,3%; VCB tăng 0,6%... Tuy vậy, chừng đó vẫn không đủ để giúp thị trường bứt phá.
GAS chính là "tội đồ" của thị trường trong phiên hôm nay với mức thiệt hại gây ra cho VN-Index là 1,56 điểm. Mã này trong phiên giảm 2,9% còn 106.000 đồng. Bên cạnh đó, PLX, PVS, VTO, PVD đều giảm giá. Một số mã giảm sâu như PVC giảm 6,9%; COM giảm 6,4%.
Cổ phiếu phân bón bị quay lưng. DCM và BFC thoát sàn nhưng mức giảm điểm khi đóng cửa vẫn sâu, cả hai mã cùng giảm 6,8%. LAS giảm 7,5%; DPM giảm 4,1%; NFC giảm 6,1%; PMB giảm 6,2%.