Cổ phiếu bảo hiểm, tiêu dùng kéo VN-Index tăng gần 5 điểm
(Dân trí) - Trong khi trên thị trường thế giới, chỉ số Down Jones và S&P500 liên tục thiết lập đỉnh mới thì chứng khoán trong nước cũng phục hồi trở lại. Dù vậy, dòng tiền chảy vào thị trường dè dặt với hơn 450 tỷ đồng trong phiên.
Thị trường chứng khoán đang cần nhiều hơn những hỗ trợ về thông tin vĩ mô.
Thị trường sáng 8/3 diễn biến khá lạc quan với sự hoạt động của các chỉ số hầu như đều trên mức tham chiếu. VN-Index tăng 4,8 điểm tương ứng 1,03% lên 471,43 điểm; HNX-Index tăng 0,33 điểm tương ứng 0,55% lên 60,48 điểm.
Đà tăng hôm nay chủ yếu nhờ sự tích cực đến từ 24 mã cổ phiếu thuộc nhóm VN30, đưa chỉ số rổ này tăng vọt 7,69 điểm trong sáng nay tương ứng biên độ tăng đạt 1,44%.
Trong đó, 3 mã tăng mạnh nhất lại là các mã có vốn hóa lớn: MSN đảo chiều tăng 3.000 đồng tương ứng 2,7% lên 115.000 đồng/cp, lấy lại toàn bộ số điểm đánh mất trong phiên hôm qua.
BVH với mức tăng 2.000 đồng tương ứng 3,9% cũng đã gỡ lại phần nào sau khi mất 3.000 đồng vào phiên 7/3. Cùng với đó, KDC cũng tăng điểm 1.100 đồng mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh tại những mã này lại rất mỏng.
STB tăng mạnh với biên đột 4,3% tương ứng 900 đồng mỗi cổ phiếu. Phiên hôm qua, cổ phiếu này mất giá tới 5%.
Mã có khối lượng khớp lớn nhất trong VN30 hôm nay là CTG khi lô khớp đạt 780,6 nghìn cổ phiếu. Tiếp đến là SSI khớp hơn 525 nghìn. Các mã còn lại khớp lệnh thấp dưới 500 nghìn đơn vị.
HNX30 có 2 mã giảm và 5 mã đứng giá tham chiếu. Một mã không có giao dịch là OCH. Đây là phiên thứ hai liên tiếp (tính đến hiện tại), OCH không có hoạt động mua bán diễn ra, khớp lệnh các phiên trước đều nhỏ giọt.
Mã tăng giá mạnh nhất và cũng là mã có mức tăng trên 1.000 đồng phiên giao dịch sáng nay là TH1. Thời điểm hiện tại TH1 tăng 2.000 đồng/cp lên 36.000 đồng. Biên độ giao động giá tại mã này thường xuyên rất rộng, một bước giảm sàn hoặc tăng trần, trong khi khối lượng khớp lệnh không đáng kể, như phiên hôm nay chỉ khớp 500 cổ phiếu.
Hơn 20 mã tăng điểm còn lại trong HNX30 đều chỉ giao động mức tăng khiêm tốn từ 100 đến 200 đồng/cp.
Dễ thấy sự sụt giảm thanh khoản của thị trường thông qua giao dịch chậm tại những mã dẫn dắt thị trường trong rổ này. Khớp mạnh nhất là PVX cũng chỉ đạt 2,8 triệu cổ phiếu, SHB và SCR khớp 2,5 triệu và 2,1 triệu cổ phiếu. VND và KLS khớp trên 1 triệu đơn vị. 25 mã còn lại khớp chưa tới 500 nghìn cổ phiếu mỗi mã.
Tình trạng này kéo thanh khoản thị trường lùi sâu. HSX chỉ có 21,8 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 330,5 tỷ đồng; HNX có gần 17,6 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tổng giá trị cũng chỉ đạt 122,3 tỷ đồng. Tổng thanh khoản toàn thị trường phiên sáng chỉ nhỉnh hơn 450 tỷ với hơn 39 triệu đơn vị.
Hai mã ITA và KBC sáng nay tăng nhẹ lần lượt lên 7.100 đồng/cp và 7.900 đồng/cp, khớp lệnh đạt gần 2 triệu cổ phiếu tại ITA và hơn 1 triệu cổ phiếu tại KBC. Tuy nhiên, sự tham gia của khối ngoại tại các mã này đang thu hẹp.
Đến hiện tại chỉ có 4 mã được khối ngoại duy trì khối lượng gom mua là DPM với 262 nghìn cổ phiếu, SSI với 193 nghìn cổ phiếu, KDC với 163 nghìn và VCB với 116 nghìn cổ phiếu.
Trong xu hướng tăng trở lại của thị trường, một số mã xuất hiện nguồn cung giá trần là BVH và ITA (mã này còn dư bán trần 1,4 triệu cổ phiếu) và KBC.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch 7/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng thêm 0,3%, xác lập mức kỷ lục mới 14.342,16 điểm. Trong khi đó, chỉ số Standard & Poor’s 500 cũng tăng thêm 0,2% với 1.544,79 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2007.
Tuy vậy, giữa lúc thị trường chưa có được sự hỗ trợ nào về thông tin vĩ mô, thanh khoản đang ngày càng co hẹp, tâm lý nhà đầu tư đang thận trọng và có xu hướng giữ tiền mặt thay vì đầu tư mua mới, thì đà tăng này là không bền vững.
Dù Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tiền tệ theo hướng hạ lãi suất tuy nhiên, quyết định chính sách này lại phụ thuộc vào hiệu quả kiềm chế lạm phát liệu có dưới 6,8% hay không. Ngoài ra, những tín hiệu từ việc thành lập Công ty quản lý tài sản và xử lý nợ xấu (VAMC) chưa thật sự rõ ràng.
Mai Chi