Cổ phần hóa DNNN không nên tiến hành đồng loạt

(Dân trí) - Nếu không đổi mới quản trị doanh nghiệp thì khi chuyển sang cổ phần hoá chưa chắc doanh nghiệp đã hoạt động tốt vì thiếu nền tảng, vì vậy không nên cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) một cách đồng loạt.

Đây là chia sẻ của Tiến Sỹ Nguyễn Kim Toàn, Nguyên Vụ trưởng Vụ Đổi mới Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ tại Diễn đàn “Đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước: Tư duy và hành động” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 8/11.

 

Khó hoàn thành mục tiêu cổ phần hoá đến năm 2015

 

Theo bà Toàn, những năm gần đây, tiến độ cổ phần hóa có chững lại do những doanh nghiệp cổ phần hóa có quy mô lớn hơn với tình hình tài chính phức tạp hơn, trong khi  đó suy giảm của thị trường chứng khoán, lạm phát, suy thoái kinh tế nên ít nhà đầu tư mua cổ phần. Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa không bán được cho các nhà đầu tư hoặc không bán được theo phương án được duyệt. Vì vậy, tại nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối.

 

Từ nay đến năm 2015 sẽ khó để thực hiện được mục tiêu cổ phần hoá hết được 500-600 doanh nghiệp theo kế hoạch, thực tế năm ngoái chỉ cổ phần hoá được hơn chục doanh nghiệp.

 

“Nếu cổ phần hóa ngay thì sức thu hút các nhà đầu tư không cao, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường chứng khoán trầm lắng. Để cổ phần hóa đạt hiệu quả cao hơn, nên xác định không nhất thiết tiến hành cổ phần hóa đồng loạt mà cần xem xét, lựa chọn những doanh nghiệp cần tái cơ cấu trước khi cổ phần hóa”, bà đưa ra khuyến nghị.

 

Vị chuyên gia này cũng đề xuất một số biện pháp cho việc tái cơ cấu DNNN như phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho một số nhà đầu tư chiến lược để thu hút thêm vốn và kinh nghiệm quản lý; thuê các tổ chức tư vấn thực hiện tái cơ cấu, thuê giám đốc điều hành doanh nghiệp; nâng số lượng nhà đầu tư chiến lược lên 5 thay vì 3 như quy định hiện hành; bỏ quy định về bán cổ phần ưu đãi cho tổ chức công đoàn và thay vào đó là có quy định đại diện tổ chức công đoàn được tham gia làm thành viên Hội đồng quản trị, bàn và biểu quyết những vấn đề có liên quan đến người lao động….

 

“Hiện nay có doanh nghiệp khó thu hút lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, nên việc bán cổ phần ưu đãi cho người cam kết làm việc lâu dài với doanh nghiệp là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ thúc đẩy cổ phần hoá thì không ăn thua mà phải kết hợp với ban hành luật và sửa đổi bổ sung tương ứng,” bà nhận định.

 

Bình luận về những khuyến nghị của bà Toàn, Tiến Sỹ Nguyễn Minh Phong rất tán thành ý kiến về cần lựa chọn doanh nghiệp cho cổ phần hoá, nâng số lượng nhà đầu tư chiến lược và bỏ quy định về bán cổ phần ưu đãi cho tổ chức công đoàn. Ông đồng thời cũng đưa ra một số đề xuất như tăng cơ chế đấu thầu cho doanh nghiệp, giảm ưu đãi; tăng đấu thầu cho cả mục tiêu công ích và đặc biệt là nâng trách nhiệm của cá nhân.

 

Muốn quản lý được DNNN phải giảm số lượng

 

“Ở các quốc gia như Anh, Mỹ và Pháp, DNNN chỉ chiếm 5-7% GDP, trong khi đó ở Việt Nam tỉ lệ này là 27-30%. Như vậy, khu vực nhà nước còn chiếm khoảng 1/3 GDP mà chỉ có một cơ quan quản lý thì khó, giờ muốn quản lý được thì phải giảm số lượng: DNNN chỉ chiếm 4-5% GDP thì mới mong quản lý được”, PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định tại diễn đàn.

 

Theo Tiến Sỹ  Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): cuối năm 2001, khu vực  DNNN nhà nước chiếm tỷ lệ 13.6% trong tổng số doanh nghiệp, nắm giữ 136 ngàn tỷ đồng vốn sản xuất kinh doanh thì đến năm 2006  tỷ  lệ này tương  ứng là  3,2% , nắm giữ khoảng  628 ngàn tỷ đồng và đến cuối  năm 2011, tỷ lệ DNNN chỉ còn chiếm 0,95% , nhưng vẫn nắm gần 700 ngàn tỷ đồng tiền vốn.

 

Trong khi đó, tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập cả ở trong những lĩnh vực mà độ tích tụ sản xuất không cao, ví dụ, ngành dệt may, hóa chất, nhựa cao su, vận tải biển. Trên thực tế các tập đoàn có nhiều hoạt động kinh doanh khác ngoài ngành nghề kinh doanh chính, cả trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm.

 

“Điều này phản ánh một thực trạng rằng: Ở Việt Nam, các tập đoàn kinh tế nhà nước đã “ lấn sân” của các DN ngoài nhà nước, có nghĩa là hoạt động ở cả những lĩnh vực, ngành nghề mà khu vực tư nhân hoàn toàn có thể đảm đương được. Trong những ngành này, khó có thể nói đến sự cần thiết phải có mặt của các tập đoàn kinh tế Nhà nước”, bà thẳng thắn chỉ ra.

 

Trong khi đó, việc ra quyết định thành lập các tập đoàn kinh tế lại không có một cơ chế quản lý phù hợp. Sự đổ vỡ của một Tập đoàn kinh tế như Vinashin, Vinaline là sự đổ vỡ của một ngành kinh tế, và đương nhiên sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với khu vực tư nhân của ngành này, cũng như ảnh hưởng đến sự cân đối nguồn lực cho khu vực tư nhân. 

 

Nam Hằng