Cơ hội “vàng” trước làn sóng đầu tư của Nhật
(Dân trí) - Làn sóng đầu tư của Nhật vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung những ngành công nghiệp mới có công nghệ cao. Đây là cơ hội “vàng” cho Việt Nam nhưng liệu các yếu tố như cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường có phải là những trở ngại khó qua…
Ông đánh giá thế nào về cơ hội dành cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam trước làn sóng đầu tư của Nhật tới đây?
Trong 25 năm phát triển với chính sách đổi mới, Việt Nam đã có những bước phát triển lớn về kinh tế xã hội và hoàn thiện chính sách đầu tư. Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có những cơ hội rất thuận lợi để đón nhận làn sóng đầu tư từ Nhật.
Nhưng để biến cơ hội thành hiện thực thì chúng ta cần phải chuẩn bị những điều kiện gì?
Ngoài những điều kiện đã có thì cần giải quyết một số điểm nghẽn, trong đó có những điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính… để đảm bảo hoạt động đầu tư.
Những điều này đã được thể hiện bằng quyết tâm chính trị của Đảng mà cụ thể là trong NQ Đại hội 11, đó là giải quyết 3 khâu đột phá trong cải cách hành chính, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Tôi nghĩ, với quyết tâm đó, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi để đón nhận luồng đầu tư mới.
Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ về chính trị, kinh tế rất chặt chẽ. Vậy ngoài đón nhận làn sóng đầu tư này từ phía các DN cũng như các bộ ngành thì phía Chính phủ cần có tầm mở rộng như thế nào về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới?
Như chúng ta đã biết, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được nâng lên tầm chiến lược. Nó được thể hiện bằng quyết tâm của lãnh đạo hai nhà nước. Điều đó trở thành cam kết để đảm bảo cho các nhà đầu tư là các doanh nghiệp hai bên hợp tác thực hiện quá trình đầu tư vào Việt Nam
Được biết, Nhật Bản đang định hướng phát triển những ngành công nghiệp mới có công nghệ cao. Vậy với các điều kiện hiện nay như ở Việt Nam, ta có thể tiếp thu và hợp tác như thế nào?
Với những ngành công nghệ cao của Nhật Bản muốn hướng ra nước ngoài, tôi nghĩ đây là cơ hội “vàng” cho Việt Nam bởi điều đó phù hợp với định hướng phát triển của chính các ngành công nghiệp Việt Nam.
Ngay trong chính sách phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020, chúng ta đã đặt ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế tạo, coi đây như một mũi nhọn của ngành công nghiệp. Đó cũng là điều kiện để đảm bảo độc lập tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.
Khi đầu tư ra nước ngoài, các nhà đầu tư thường đặt nhiều kỳ vọng về việc sử dụng nguồn nguyên liệu hay nguồn tài nguyên khoáng sản tại chính quốc gia đầu tư. Nhật Bản không ngoại lệ và họ đang tính đến việc sử dụng ngay chính thị trường Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm. Ông nghĩ sao về việc này?
Đương nhiên sản phẩm của Nhật Bản khi sản xuất tại Việt Nam thì phải gắn với thị trường. Vấn đề là khi sản xuất thì có tiêu thụ, mà tiêu thụ hàng hóa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu dân sinh thì theo tôi đó là điều tốt.
Về khía cạnh khai thác nguồn tài nguyên, đất nước ta có nhiều nguồn tài nguyên chưa khai thác được nên nếu với sự hợp tác của Nhật Bản, đặc biệt là theo định hướng công nghệ cao để chúng ta khai thác nguồn tài nguyên đó một cách có hiệu quả cao nhất thì còn gì bằng.
Xin cảm ơn ông!
Lan Hương (ghi)