1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Có hay không việc “làm giá” thực phẩm Tết?

Chuyện sốt giá nhiều mặt hàng thực phẩm trong những ngày giáp Tết không phải là điều bất ngờ đối với người tiêu dùng, tuy nhiên điều đáng nói đằng sau việc tăng giá các mặt hàng thực phẩm có hay không chuyện "làm giá"?

Giá thịt lợn có thể tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán (Ảnh minh họa)
Giá thịt lợn có thể tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán (Ảnh minh họa)

So với những ngày trước đây, hiện tại giá thịt lợn ở nhiều chợ tỉnh Khánh Hòa đã tăng thêm 5.000 đồng/kg, việc tăng giá này sẽ tiếp tục nhích lên cho đến phiên chợ cuối năm. Nhiều tiểu thương cùng đưa ra dự báo, so với ngày bình thường, giá thịt lợn sẽ tăng thêm 50.000 đồng/kg vào những giáp Tết. Áp lực tăng giá khiến cho bất cứ người tiêu dùng nào cũng lo lắng và không thể không thắc mắc vì đâu mà nhiều mặt hàng thực phẩm, nhất là thịt lợn lại tăng giá cuối năm.

Trước đà tăng giá này, Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa đã khẳng định lượng cung thịt gia súc, gia cầm ra thị trường là hoàn hoàn đảm bảo bởi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở tỉnh đã khống chế từ nhiều tháng trước. Và giá thịt lợn tăng hoàn toàn không phải do khan hiếm nguồn cung.

Ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa nói: “Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, trên địa bàn cả nước, đàn gia súc có giảm nhưng cũng đủ cung cấp. Riêng đối với Khánh Hòa, lượng thực phẩm cung cấp, ngoài hệ thống chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong dân còn có hệ thống cung ứng nguồn heo, gà lớn đảm bảo cho thị trường”.

Thông tin về khả năng cân đối cung cầu tiếp tục được các đầu mối cung ứng thịt lợn ở tỉnh Khánh Hòa cũng khẳng định: Hiện tại trên 100 ngàn con lợn ở vùng chăn nuôi Khánh Hòa hoàn toàn đủ cung ứng cho thị trường tiêu dùng.

Vì vậy, lý giải cho việc tăng giá, các tiểu thương ở các chợ cho rằng xuất phát từ hai nguyên nhân: Một là tâm lý tiêu dùng ngày giáp Tết và thứ hai là hiện tượng làm giá ở các điểm cung ứng thịt lợn ra bán lẻ. Con đường từ vùng chăn nuôi đến khi có được thịt lợn vào tay người tiêu dùng là cả một chặng đường dài với nhiều người trung gian. Và cứ qua một khâu trung gian, giá lại đội lên, biểu hiện rõ nhất là ở khâu của các chủ lò giết mổ lợn. Mỗi ngày, trước khi phân phối thịt lợn cho những người bán lẻ, các chủ lò lại tự điều chỉnh mức giá bán sỉ. Việc điều chỉnh giá không dựa theo giá lợn hơi ở vùng chăn nuôi mà theo cảm tính sức mua nhanh hay chậm trên thị trường.

Chị Lê Thị Thiệp, tiểu thương thành phố Nha Trang nói: “Chúng tôi mua heo của chủ lò, giá chủ lò nắm chứ mình đâu quyết định”.

Bà Huỳnh Thị Kim Liên, một tiểu thương khác cũng cho biết thêm: “Chủ lò mổ đưa giá lên, vì vậy chúng tôi phải bán lên, còn mọi ngày tôi bán với giá bình thường”.

Như vậy, hiện tượng làm giá đối với một số mặt hàng thực phẩm được gọi là mặt hàng nóng trong ngày Tết là hoàn toàn có thực. Cái khó về mặt quản lý là chuyện tăng giá này mang tính nhất thời, không đồng đều giữa các chợ. Thậm chí, một mặt hàng trong cùng một chợ cũng có nhiều giá và trong một ngày lại có nhiều mức giá khác nhau. Tất cả đều đổ lỗi do chợ cuối năm, do Tết nhưng đằng sau đó lại là hiện tượng làm giá rất khó kiểm soát.
 
Theo Tấn Quýnh
VTV.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm