Có hay không “lợi ích nhóm” khi hoãn thu tiền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước?

(Dân trí) - Quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước ban hành từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa thực thi và được đề nghị lùi thời hạn. Trước những tranh cãi và nghi ngờ về “lợi ích nhóm”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã bác bỏ và thừa nhận trách nhiệm.

Chiều qua (1/11), Quốc hội thảo luận tại nghị trường về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Nhiều đại biểu đã chỉ ra đúng-sai và cảnh bảo nguy cơ về khoản nợ “khổng lồ”.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm 

Trên thực tế, các khoản thu này đã được quy định trong các luật có hiệu lực từ năm 2011 và 2013, nhưng đến hiện nay vẫn chưa thể xác định được khoản tiền phải thu là bao nhiêu bởi thiếu các quy định cụ thể về hoạt động thu. 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ giải trình trước Quốc hội về việc này, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng (TN&MT) - thừa nhận trách nhiệm của Chính phủ và nêu lên hàng loạt lí do chủ quan, khách quan dẫn đến việc Chính phủ chưa thể ban hành các quy định cụ thể, khó thực thi.

Có hay không “lợi ích nhóm” khi hoãn thu tiền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước? - 1
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà giải trình trước Quốc hội

Vị Bộ trưởng này nhấn mạnh, việc không thu hay hoãn thu các khoản phí này hoàn toàn không gây tác động lớn, chưa thu các khoản phí này hay lùi thời hạn bắt đầu thu sẽ không tác động nhiều tới ngân sách.

“Các khoản phí này được thu dựa vào tổng trữ lượng tài nguyên các mỏ. Nếu việc chậm thu vài năm có thể khiến một phần trữ lượng đã được khai thác nằm ngoài phần thu, nhưng nó không lớn so với tổng trữ lượng. Nếu thu các khoản phí này, người dân sẽ là đối tượng chịu tác động bởi nó sẽ tính vào giá” - ông Hà nói.

Trước những nghi ngờ về “lợi ích nhóm” trong việc lùi hạn thu phí này, người đứng đầu ngành TM&MT khẳng định: “Hoàn toàn không có lợi ích nhóm khi lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước”. Ông Hà cam kết sẽ cung cấp thông tin, số liệu chi tiết tới các đại biểu Quốc hội để khi bấm nút, các đại biểu hoàn toàn có thể chắc chắn về quyết định của mình.

Lo nợ “khủng”, thiếu công bằng

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) nhấn mạnh quan điểm cần xem xét khách quan và chủ quan đối với khoản thất thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

“Nếu khách quan thì cần phải xóa, nếu chủ quan thì cần làm rõ trách nhiệm của những cơ quan có liên quan để tránh tạo tiền lệ, rồi vài năm tới, Quốc hội lại phải ngồi xem xét những khoảng nợ vài chục nghìn tỷ nữa.” - ông Trương Trọng Nghĩa nêu rõ.

Có hay không “lợi ích nhóm” khi hoãn thu tiền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước? - 2
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM)

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, trong quá trình tiếp cận việc khai thác khoáng sản, việc đánh giá trữ lượng là hoàn toàn không dễ dàng, không đơn giản chỉ “xúc là bán”.

“Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực chất là một loại thuế để các doanh nghiệp được vào khai thác. Khoản phí này ban đầu được đưa vào để thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động thay vì đầu cơ. Tuy nhiên, sản lượng khai thác của nhiều mỏ không như đánh giá ban đầu” - ông Nhưỡng nói và đề nghị nên xem xét, không thể để “thuế chồng thuế”.

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) đặt vấn đề thiếu các quy định của pháp luật nên không thể tính toán được số tiền phải thu là bao nhiêu, khó thực thi quy định.

“Nếu không tính toán được số tiền, việc thu là không thể. Nếu tính toán thu khoản tiền này thì sẽ gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp trong khi đây là lỗi của cơ quan nhà nước.” - đại biểu đoàn Đắk Lắk phân trần.

Châu Như Quỳnh