Cơ chế điện mặt trời bị chê, Bộ Công Thương nói gì?

Ghi Du

(Dân trí) - Bộ Công Thương mới đây có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam.

Dự thảo cho biết ĐMTMN liên kết với hệ thống điện đã được đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối không phải thực hiện thỏa thuận đấu nối. Các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng ĐMTMN thực hiện chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế phí, lệ phí.

Tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng ĐMTMN phải đảm bảo hiệu quả và các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành. Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn các thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường đối với các công trình xây dựng có lắp đặt ĐMTMN.

Sau thời gian lấy ý kiến cho dự thảo, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến của 15 bộ, cơ quan ngang bộ. Các ý kiến đều muốn mở rộng phạm vi lắp đặt ĐMTMN.

Cơ chế điện mặt trời bị chê, Bộ Công Thương nói gì? - 1

Cơ chế cho điện mặt trời mái nhà bị cho là chưa hấp dẫn (Ảnh minh họa: Reuters).

Trước những ý kiến góp ý, Bộ Công Thương cho biết theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đối tượng áp dụng của cơ chế lần này là ĐMTMN lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở. Việc mở rộng đối tượng như đề nghị của các bộ để áp dụng cơ chế sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong các quy định sau này.

Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch điện 8 đã được phê duyệt đặt ra mục tiêu đến năm 2030 công suất ĐMTMN (không phân biệt loại hình) và điện mặt trời tự sản, tự tiêu tăng thêm khoảng 2.600MW. Với quy mô này thì không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt ĐMTMN.

Bộ Công Thương lý giải chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước, mỗi gia đình lắp đặt 1kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về cơ cấu nguồn ĐMTMN cho cả kỳ quy hoạch (năm 2021-2030) được đặt ra trong Quy hoạch điện 8. 

Đây là chưa kể đến ĐMTMN của cơ quan công sở, điện mặt trời tự sản, tự tiêu và đặc biệt ĐMTMN nêu tại Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Trước đó, góp ý với nội dung dự thảo, Bộ Quốc phòng đề nghị mở rộng phạm vi lắp đặt của hệ thống ĐMTMN không chỉ lắp trên mái nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp mà cho các công trình khác như trường học, bệnh viện, công trình tăng gia sản xuất...

Bộ Công an cũng đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được lắp đặt hệ thống ĐMTMN tự sản, tự tiêu bao gồm các trụ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại.

Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải góp ý Bộ Công Thương xem xét bổ sung, làm rõ đối tượng được áp dụng cơ chế là các công trình có lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, cảng biển, cảng và bến thủy nội địa...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đánh giá: Hiện nay, khu vực nông thôn có các hộ dân phát triển kinh tế hộ cá thể, trong đó có trang trại (chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu nuôi trồng thủy sản,...), nhà kho (lưu giữ thức ăn chăn nuôi, trang thiết bị...) gắn liền với nhà ở.

Do đó, bộ này đề nghị làm rõ khái niệm nhà ở trong khu vực nông thôn và bổ sung đối tượng là hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ; bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là "Hợp tác xã".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm