Có 1.000 tỷ đồng mới được lập ngân hàng
Đây là yêu cầu về vốn pháp định tối thiểu đối với việc thành lập mới ngân hàng cổ phần, liên doanh hay ngân hàng 100% vốn nước ngoài, áp dụng ngay từ cuối tháng 11. Nếu thành lập sau ngày 31/12/2008, mức vốn bắt buộc sẽ là 3.000 tỷ đồng.
Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 141 về danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng. Trong đó, giữ nguyên yêu cầu về vốn pháp định đối với loại hình ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng đầu tư, phát triển, chính sách, quỹ tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài...
Riêng với các ngân hàng thương mại cổ phần, liên doanh và 100% vốn nước ngoài, yêu cầu về vốn tăng trên dưới 10 lần so với trước.
Trước đây, quy định về vốn với ngân hàng cổ phần đô thị và nông thôn đều chưa đến 100 tỷ đồng. Yêu cầu về vốn pháp định với ngân hàng con 100% vốn nước ngoài và ngân hàng liên doanh cũng chỉ là 10 triệu USD (tương đương 160 tỷ đồng).
Theo Nghị định 141, từ nay cho đến trước 31/12/2008, cả 3 loại hình ngân hàng này phải đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. Các ngân hàng được cấp phép hoạt động sau 31/12/2008, phải đảm bảo có ngay vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu tương đương mức vốn pháp định quy định cho năm 2010, tức 3.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng cổ phần, liên doanh đã được cấp phép hoạt động hiện nay, nếu chưa đáp ứng đủ vốn sẽ phải tăng theo lộ trình. Cụ thể, đến 31/12/2008, mức vốn điều lệ tối thiểu phải là 1.000 tỷ đồng và phải tăng lên 3.000 tỷ đồng trước 31/12/2010.
Theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý, thậm chí thu hồi giấy phép của các ngân hàng có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp thấp hơn mức vốn pháp định tương ứng đối với từng loại hình tổ chức tín dụng quy định cho từng thời kỳ.
Theo Song Linh
VnExpress