Chuyện lạ của những kẻ "ngược dòng"

Trong khi hàng chục ngàn DN khó khăn, phá sản thì có không ít DN lại tìm thấy cơ hội phát triển. Họ vẫn thu lợi đều bằng những kế hoạch kinh doanh nhỏ, không hề hoành tráng.

Cái lợi của khủng khoảng

Chuỗi cửa hàng cơm kẹp AppeRice vừa mới xuất hiện tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng đã có đến hàng chục cửa hàng tại các vị trí đắc địa. AppeRice đã đầu tư gần 1 triệu USD cho dây chuyền sản xuất. Chi phí này không nhỏ, vì phải tự huy động, mà chưa có sự hỗ trợ tài chính từ ngân hàng.

Nhưng bên cạnh những khó khăn về tài chính, thì AppeRice lại nhìn thấy khá nhiều thuận lợi, đầu tiên là việc thuê mặt bằng.

Chưa bao giờ việc thuê mặt bằng lại thuận lợi như hiện nay, giá thuê thấp và dễ kiếm được những địa điểm thuận lợi là yếu tố quan trọng giúp AppeRicec nhanh chóng tiếp cận được với người tiêu dùng. Chi phí thuê mặt bằng thấp còn giúp cho giảm giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Khi kinh tế biến động, mọi người có xu hướng tìm một nguồn thu nhập ổn định, dù chưa hẳn đã lớn. Do vốn đầu tư không lớn, chỉ khoảng 50 - 100 triệu đồng cho một ki ốt AppeRice, mức đầu tư nhiều người có thể chấp nhận, nên nhiều nhà đầu tư đã liên hệ để nhận làm cửa hàng nhượng quyền AppeRice.

Trong khó khăn, người tiêu dùng luôn thắt chặt chi tiêu, nhưng các nhu cầu cơ bản như ăn, uống, đi lại không bị ảnh hưởng nhiều. Đặc biệt, với mức giá bán cạnh tranh nên đã có rất nhiều khách hàng ngay từ ngày đầu tiên.

Mới mở ra được 5 tháng nay nhưng AppeRice đã mở rộng chuỗi cửa hàng của mình tại TP. Hồ Chí Minh. Vì thế, đối với DN này, kinh doanh bây giờ lại dễ.

Chuyên tâm trong lĩnh vực hẹp

Công ty CP Cáp treo Núi Bà (Tây Ninh) hoạt động chính trong lĩnh vực vận chuyển du khách, hàng hóa vật tư bằng phương tiện cáp treo và máng trượt. Với số vốn điều lệ được duy trì ở mức 31.97 tỷ đồng nhưng lợi nhuận vài năm trở lại đây luôn đạt xấp xỉ hoặc vượt xa số vốn điều lệ bất chấp mọi khó khăn, kinh tế suy thoái.

Cụ thể, từ năm 2008 đến 2010, lợi nhuận bình quân của công ty tăng trưởng từ 15-16%/năm. Riêng năm 2011, mức tăng trưởng đạt trên 50%, với 47.76 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần vốn điều lệ.

Chuyện lạ của những kẻ ngược dòng

Năm 2012, công ty đề ra kế hoạch đạt 62.5 tỷ đồng lãi trước thuế, nhưng qua 9 tháng đầu năm, con số đạt được đã gần 68 tỷ đồng, tức vượt xa kế hoạch đề ra đến gần 10%.

Có được thành công đó, do công ty chỉ tập trung khai thác các dịch vụ và hoạt động tại Núi Bà mà không vay mượn, đầu tư dàn trải vào các lĩnh vực khác.

Chiến lược được Công ty đề ra là tập trung khai thác tốt lợi thế thương mại, khai thác tối đa lượng khách du lịch. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị với công nghệ tiên tiến đủ điều kiện để phát triển trở thành một trong những đơn vị hoạt động có hiệu quả và có thương hiệu hàng đầu trong ngành. Và kết quả là kinh tế khó khăn nhưng kinh doanh của công ty vẫn phát triển mạnh mẽ, năm sau cao hơn năm trước bất chấp kinh tế khó khăn.

Giá trị cổ phiếu của DN này hiện cao nhất trên thị trường, được giao dịch với mức giá 76.000 đồng/cp. Trong vòng 1 năm trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng trưởng đến hơn 86% từ mức giá chỉ có 3.,000 đồng/cp.

Hốt bạc từ thực phẩm an toàn

Ngành chăn nuôi thời gian qua có rất nhiều DN gặp điêu đứng thì vẫn có những DN tìm thấy cơ hội phát triển.

Theo ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại gà Thanh Đức, Xuân Lộc (Đồng Nai), dù kinh tế khó khăn, nhưng nhu cầu về những mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng, sữa vẫn tiếp tục tăng và người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến tính an toàn hơn. DN nào đáp ứng được nhu cầu này sẽ tồn tại được và vượt qua khó khăn.

Từ đầu năm 2012, ông Đức đã quyết định đầu tư khoảng 8,5 tỷ đồng nhập 2 dây chuyền công nghệ Đức chăn nuôi hoàn toàn theo quy trình tự động và sạch.

Với việc đầu tư thêm dây chuyền chăn nuôi hoàn toàn tự động này, quy mô chăn nuôi của trang trại tăng nhưng không cần mở rộng diện tích trang trại mà vẫn đảm bảo được khâu vệ sinh môi trường. Với việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi, hiệu quả kinh tế sẽ tăng cao vì sản xuất ra trứng sạch, chất lượng cao với giá thành giảm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Nhờ kết quả đó mà sức thị phần của Thanh Đức tăng lên. Doanh thu tăng, vốn vay thanh toán theo đúng kỳ và thị trường ngày càng mở rộng. Khách hàng rất yên tâm bởi sản phẩm sạch đảmbảo tiêu chuẩn vệ sinh, trong khi giá lại không tăng.

Tự tạo đơn hàng

Tự tạo đơn hàng

Tất cả các DN cơ khí tại Vĩnh Long bước vào đầu năm 2012 đều trong tình trạng gặp khó khăn như nhau, đơn hàng không có, nguy cơ đóng cửa là rất lớn. Tuy nhiên đến hết năm 2012 thì đã có DN vượt qua một cách ngoạn mục.

Ông Điền Hòa Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí- Thương mại - Xây dựng Mười Tâm (Vĩnh Long) cho biết, sau kỳ nghỉ tết Nhâm Thìn đến gần tháng 3/2012 công việc hầu như không có. Trong lịch sử 20 năm của DN, đây là năm khó khăn nhất, vì thường thời điểm này đơn hàng dồn dập làm cả năm không hết.

Kinh nghiệm mách bảo ông rằng, thời khó khăn phải giảm giá thành, tăng chất lượng. Muốn vậy, phải có máy móc thiết bị chuyên dùng hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm, giảm chi phí. Nhận định như vậy, nên DN quyết định tiếp tục đầu tư máy cắt dây tự động CNC, máy dập 300 tấn, mới đây là máy chặt sắt dày 13 li với mức đầu tư hàng tỷ đồng, bất chấp khó khăn. Người ngoài nhìn vào cho đây là "nước cờ" mạo hiểm bởi đầu tư nhiều mà không có đơn hàng thì chắc chắn DN sẽ khó khăn thêm gấp bội và nguy cơ đóng cửa thua lỗ, phá sản càng cao.

Tuy nhiên quyết định đầu tư đã trở thành bước tạo đà giúp DN nhanh chóng bắt nhịp nhu cầu thị trường. Chất lượng sản phẩm tốt hơn, năng suất cao hơn và giá thành hạ. Nhờ đó DN đã giữ được những khách hàng quen thuộc là lớn từ các DN lớn ở Vĩnh Long. Bên cạnh đó là đa dạng hóa sản phẩm, làm cả máy ép bún cho đến cửa sắt, cầu thang... Nhờ hướng đi đúng trong sản xuất kinh doanh giai đoạn khó khăn, DN không chỉ giữ vững sản xuất mà còn nâng cao được chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Ông Tâm đúc kết kinh nghiệm, nắm bắt cơ hội rất quan trọng, khi mình tận dụng được nó thì sẽ phát huy được lợi thế.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN Việt Nam hiện nay đang chịu rất nhiều khó khăn. Điều này đã đẩy nhiều DN đến bờ vực phá sản và khiến nhiều DN trở nên chán nản, mất bình tĩnh nên không thấy được hướng đi phù hợp.

Tuy nhiên trong khó khăn thường xuất hiện nhiều cơ hội mới, vì vậy DN phải phản ứng thật nhanh trong việc nhìn nhận và nằm bắt cơ hội.Mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng và mỗi doanh nghiệp cần "đọc" được những thay đổi của thị trường trong lĩnh vực mình kinh doanh để tìm ra hướng đi phù hợp.

Đó là những doanh nhân luôn tìm ra và nắm bắt từng cơ hội trong lúc khó khăn nhất.

Theo Trần Thủy
VEF