Chuyện hy hữu thế chấp nhà đất để vay vốn: Ngân hàng tự "thổi" giá

Hàng chục nông dân ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đang hoang mang vì ngân hàng thúc nợ, đòi “bắt” nhà đất - là tài sản thế chấp cho khoản vay của người khác. Nhưng, điều đáng nói là, những ngôi nhà này đều được “thổi” thành nhà 2-3 tầng, trị giá hàng tỷ đồng.

Ngôi nhà này của ông Đỗ Văn Theo (xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên) được ngân hàng “vẽ” thành nhà 3 tầng, có cửa hàng để định giá cao hơn nhiều lần thực tế

Căn nhà cấp bốn của Đỗ Văn Tề (thôn Quảng Cư, xã Quảng Thanh) chỉ có diện tích 20m2, nhưng ngân hàng đã “vẽ” thành nhà 1,5 tầng, diện tích sử dụng 105m2 và định giá 1,36 tỷ đồng.

Nhà cấp 4 thành nhà 3 tầng

Theo tìm hiểu của PV, trong giai đoạn 2007-2008, bà Mạc Thị Vân, Giám đốc Cty CP thương mại và kỹ thuật Hải Lâm và Cty CP thương mại Hoàng Sơn Lâm đã mượn sổ đỏ của nhiều hộ dân để thế chấp vay vốn tại ngân hàng Navibank chi nhánh Hải Phòng.

Đã có nhiều hộ dân cho bà Vân mượn sổ đỏ, hoặc đưa sổ đỏ cho bà Vân để nhờ vay vốn. Thực tế các hộ dân không nhận được đồng vốn vay nào. Nhưng nay, các khoản nợ quá hạn, bà Vân không trả được nên các hộ dân bị ngân hàng kiện ra tòa, để phát mại tài sản.

Mấy ngày nay, bà Mạc Thị Đào, ở xóm Vối (thôn Quảng Cư, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên) “đứng ngồi không yên” vì sắp mất mảnh đất thờ tự. Bà Đào kể, năm 2007, dì Vân (em họ bà Đào) mượn bìa đỏ để thế chấp vay vốn.

Thấy dì ấy là giám đốc công ty, lại làm ăn được, nên tôi và mấy anh chị em trong họ đều cho mượn bìa đỏ.

Theo Biên bản định giá tài sản bảo đảm, tại thời điểm năm 2007, Navibank Hải Phòng đã xác định tài sản của bà Đào gồm: quyền sử dụng đất (đất ở diện tích 655m2), 2 ngôi nhà 2 tầng (bê tông cốt thép, tổng diện tích sử dụng 364m2) và 1 quán bán hàng (200m2).

Ngân hàng định giá tài sản là 1,48 tỷ đồng, đảm bảo cho khoản vay 821 triệu đồng của Cty Hoàng Sơn Lâm.

Thực tế, nhà bà Đào nằm sâu trong làng, chỉ là đất vườn, diện tích 1,7 sào (khoảng 612m2), trên có một căn nhà cấp bốn.

“Cái nhà thế này mà ngân hàng bảo là 2 tầng, có cả cửa hàng, và đáng giá hơn 1 tỷ đồng. Ai nói nhà tôi bán được 1 tỷ đồng, thì đưa đủ tiền đây, tôi dọn đi chỗ khác ngay”- Bà Đào nói.

Một trong hai tài sản được thế chấp cho khoản vay 679 triệu đồng của Cty Hoàng Sơn Lâm là nhà và đất của hộ ông Đỗ Văn Theo (xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên).

Nhà ông Theo chỉ có 1 tầng diện tích 30m2, phía trước có quây tôn sắt. Thế nhưng, cán bộ thẩm định của chi nhánh Navibank Hải Phòng đã “thổi” thành nhà 3 tầng, có quán bán hàng, với tổng diện tích sử dụng 324m2...

Nhà đất (1.339m2) của ông Đỗ Văn Tề (thôn Quảng Cư, xã Quảng Thanh) chỉ là nhà cấp bốn, lợp mái tôn xi măng, diện tích vỏn vẹn 20m2, nhưng cán bộ thẩm định của ngân hàng đã “vẽ” thành nhà 1,5 tầng (mái bằng bê tông cốt thép, nền lát gạch hoa…), diện tích sử dụng 105m2.

Vì thế, cán bộ ngân hàng đánh giá tài sản này tới… 1,36 tỷ đồng, và đủ để đảm bảo cho khoản vay 816 triệu đồng của Cty Hải Lâm.

Ngân hàng thích “vẽ” tài sản thế chấp

Qua tìm hiểu, PV được biết, còn nhiều hộ dân khác ở huyện Thủy Nguyên như ông Nguyễn Văn Huân, ông Phạm Văn Quang, bà Rói…cũng cho bà Vân mượn giấy tờ nhà đất để thế chấp tại Navibank Hải Phòng.

Trên hồ sơ thế chấp, những tài sản này được “vẽ” rất sinh động, như đất vườn thành đất ở, nhà cấp bốn thành cao tầng, có cửa hàng, khai tăng diện tích xây dựng nhà ở… Thậm chí, ngôi nhà cấp 4 và khu vườn của ông Phạm Văn Quang được “biến” thành khu du lịch sinh thái, được định giá hơn 500 triệu đồng.

“Nhà anh Quang- chị Hằng nằm sâu tít trong làng, 200 triệu đồng cũng khó bán nổi. Mảnh đất của tôi thời đó chỉ có giá 15 triệu/sào, giờ bán may ra được 200 triệu đồng, thế mà khi định giá họ "thổi" lên gấp 7 lần”- Bà Đào cho hay.

Điều đáng nói là, các hộ dân này đều không biết ngân hàng định giá bao nhiêu, cũng chưa từng gặp cán bộ thẩm định tài sản.

Họ chỉ kí vào một số giấy tờ và cho mượn sổ đỏ, cũng không cầm tiền về. Chỉ đến khi ngân hàng thông báo bắt nợ, những nông dân này mới tá hỏa vì có thể sẽ mất trắng nhà cửa, vườn tược...

Được biết, các tài sản bảo đảm trên do ông Nguyễn Đức Mạnh, chuyên viên Phòng giao dịch số 4 (hiện là Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Kiên Long Hải Phòng), và bà Nguyễn Thị Duyên trực tiếp thẩm định.

Còn bà Phạm Thị Lan Hương, Giám đốc chi nhánh Navibank Hải Phòng, Trưởng phòng Quan hệ khách hàng Đỗ Việt Phương, ký xác nhận.

Bà Mạc Thị Vân, Giám đốc Cty Hải Lâm cho biết: “Ngày xưa, tôi rất uy tín và có quan hệ tốt với ngân hàng. Nhưng vì hoàn cảnh, tôi cần vay thêm vốn lưu động. Các chị ấy nói cứ làm sao "vẽ" ra hồ sơ đẹp để vay được nhiều vốn.

Những hồ sơ này ngân hàng "vẽ" ra, chứ tôi có biết gì đâu, chỉ ký vào thôi”. Theo bà Vân, hiện bà nợ quá hạn 2,7 tỷ đồng của Navibank.

Theo Thu Hằng
Tiền Phong