1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia "hiến kế" giúp Nghệ An thoát khỏi tỉnh nghèo

(Dân trí) - Gần 100 chuyên gia, nhà kinh tế đã chỉ ra những cản trở của nền kinh tế Nghệ An. Từ đó, “hiến kế” để lãnh đạo tỉnh này có những hoạch định để xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

Sáng ngày 29/10, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế Nghệ An đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị”.

Gần 100 chuyên gia, nhà kinh tế tham dự hội thảo “Phát triển kinh tế Nghệ An đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị”
Gần 100 chuyên gia, nhà kinh tế tham dự hội thảo “Phát triển kinh tế Nghệ An đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị”

Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng, nguồn nhân lực dồi dào, điều kiện tự nhiên có nhiều ưu thế so với các địa phương khác trong cả nước. Mặc dù đã có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội… nhưng không thể phủ nhận Nghệ An hiện vẫn đang tụt hậu so với nhiều tỉnh, thành và chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.

Những lực cản của sự phát triển cũng được các chuyên gia mổ xẻ, nhìn nhận một cách thẳng thắn. Đó là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng còn chậm, chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng của từng vùng, chưa theo kịp sự biến động nhanh của thị trường trong và ngoài nước; nhiều tiềm năng chưa được khai thác tốt; trình độ công nghệ và năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ nhìn chung còn yếu kém; hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; quản lý quy hoạch chưa tốt; cải thiện môi trường thu hút đầu tư chuyển biến chậm; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính chưa đồng bộ…

Ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: Sự tăng trưởng của Nghệ An chưa thực sự bền vững. Chính vì vậy, việc tìm những giải pháp để đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển hơn nữa trong thời gian tới là yêu cầu vừa có tính cấp bách, vừa lâu dài. Đưa Nghệ An thoát khỏi tình nghèo, đó là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Nghệ An sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà hướng tới nền kinh tế phát triển một cách bền vững dựa trên nền tảng điều kiện tự nhiên, con người, lịch sử, văn hóa…


Nghệ An không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà hướng tới nền kinh tế phát triển bền vũng dựa trên cơ sở điều kiện tự nhiên, con người, lịch sử văn hóa...

Nghệ An không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà hướng tới nền kinh tế phát triển bền vũng dựa trên cơ sở điều kiện tự nhiên, con người, lịch sử văn hóa...

"Tỉnh Nghệ An mong muốn nhận được nhiều ý kiến hiến kế của các nhà khoa học, viện nghiên cứu, các chuyên gia để giúp tỉnh khắc phục những khó khăn, đề xuất các giải pháp để thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá, cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020”, ông Nguyễn Xuân Đường cho biết.

Muốn Nghệ An phát triển theo kịp các tỉnh thành khác, 1 trong những giải pháp được các chuyên gia đề ra đó là phải xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, CNTT, công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng và mũi nhọn tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh; phát triển vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An; phát triển kinh tế Miền Tây Nghệ An, trọng điểm vùng là Tân Kỳ - Đô Lương – Nghĩa Đàn – Thái Hòa – Quỳ Hợp.

Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT cho rằng, yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế Nghệ An là vấn đề thu hút đầu tư. Tuy nhiên hiệu quả thu hút đầu tư của Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; số lượng dự án và quy mô vốn đăng ký của các dự án FDI còn thấp; chưa thu hút được nhiều dư án sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao…

PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Quan trọng nhất là Nghệ An phải nghĩ khác đi, làm khác đi
PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Quan trọng nhất là Nghệ An phải nghĩ khác đi, làm khác đi

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, muốn nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, Nghệ An cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển cơ sở hạ tầng; tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn lao động và đổi mới công tác tiếp xúc đầu tư.

Còn PGS.TS Hoàng Văn Hải – Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, muốn xây dựng nông thôn Nghệ An trù phú và văn minh, giải pháp chiến lược là thúc đẩy tư duy doanh nghiệp cho nông dân. “Đối với nông thôn Nghệ An, tư duy doanh nghiệp phải đi trước, làm tiền đề cho các tư duy và hành động tiếp theo. Tuy vậy, vận dụng bài học này có thành công hay không lại phụ thuộc vào cách tiếp cận đối với hoàn cảnh và đặc tính riêng có người nông dân Nghệ An. Giải pháp này nên được xem như là một đột phá chiến lược trong tái cấu trúc ngành nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn Nghệ An trong giai đoạn hiện nay”, PGS.TS Hoàng Văn Hải nói.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam hiện nay Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng của phát triển công nghiệp hóa, làm nhanh làm nhiều nên đã phải trả giá. Formosa (Hà Tĩnh) là một ví dụ.

“Nghệ An cần phải đi đầu trong cách tiếp cận, tiếp “đà” tăng trưởng để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu. Quan trọng nhất là Nghệ An phải nghĩ khác đi, làm khác đi, có bước đột phá mới, cần có những cách tiếp cận mới, tầm nhìn mới trong bối cảnh phát triển mới có nhiều yếu tố mới, diễn biến phức tạp để định hướng cho đà phát triển hiện tại được đúng hướng hơn”, PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm