Chuỗi siêu thị Gia đình Việt bị “nuốt gọn” thế nào?

Tham vọng thống lĩnh thị trường phân phối sản phẩm tiêu dùng Việt Nam, ông trùm Thái Lan mua vốn Việt tại FamilyMart sau khi Nhật Bản rút lui.

Chê Việt Nam, Nhật Bản bán vốn?

 

Năm 2009, nhà bán lẻ số 3 Nhật Bản đã thâm nhập Việt Nam. Nhưng phải tới tháng 6/2011, liên doanh Vina FamilyMart mới được thành lập với vốn đầu tư ban đầu là 4,2 triệu USD được góp từ Phú Thái (51%), FamilyMart Nhật (44%) và Itochu cũng của Nhật (5%).

 

Tháng 5/2013, chuỗi FamilyMart đã có 42 cửa hàng tại Tp.HCM và còn đặt tham vọng phát triển tới 300 cửa hàng vào năm 2015, tương đương tốc độ mở hơn 103 cửa hàng/năm.

 

FamilyMart Nhật Bản và Tập đoàn Itochu sẽ hỗ trợ tối đa trong việc đưa ra các phương thức kinh doanh phù hợp, chọn lựa và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, hoàn chỉnh hệ thống cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, cam kết phục vụ tốt hơn người tiêu dùng cả nước.

 

FamilyMart Nhật Bản thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua phương thức nhượng quyền thương mại. Vina FamilyMart  nằm dưới sự kiểm soát của của FamilyMart Nhật Bản. Tất cả các cửa hàng tại Việt Nam đều có hình thức không khác mấy so với cửa hàng tại Nhật Bản. FamilyMart hy vọng có thể thay đổi bộ mặt của cửa hàng bách hóa.

 

Chuỗi cửa hàng FamilyMart đã thay chủ, đổi tên
Chuỗi cửa hàng FamilyMart đã thay chủ, đổi tên

 

Mỗi cửa hàng chỉ đầu tư nguồn vốn nhỏ nhưng có thể thu hồi vốn nhanh, an toàn so với đầu tư trung tâm thương mại hoặc siêu thị. Bình quân, mỗi cửa hàng có vốn từ 50.000 tới 70.000 USD.

 

Tuy nhiên, sau 2 năm hoạt động, do ít chú trọng vào marketing và quảng bá thương hiệu và gặp phải nhiều đối thủ cạnh tranh như BigC, Co.opmart và các cửa hàng tiện lợi khác như Shop&go, Circle K, FamilyMart Việt Nam phải chịu thua lỗ.

 

Mặc dù không công bố cụ thể khoản lỗ tại thị trường Việt Nam nhưng trong báo cáo tài chính, FamilyMart Nhật Bản hé lộ, khoản thua lỗ của công ty tại 3 thị trường Mỹ, Việt Nam và Trung Quốc là 932 triệu Yên (tương ứng 9,5 triệu USD).

 

Có thể thấy, với khoản đầu tư không quá lớn tại thị trường Việt Nam, rõ ràng khoản lỗ này không ảnh hưởng nhiều tới mức FamilyMart Nhật Bản không thể không thoái vốn. Hơn nữa, khoảng thời gian 2 năm chịu lỗ không phải quá dài so với một công ty quốc tế. Có vẻ như, FamilyMart Nhật Bản muốn tập trung cho các thị trường có khả năng sinh lời cao hơn là không chịu được lỗ tại Việt Nam.

 

Có thể thấy rõ điều đó khi FamilyMart Nhật Bản không giấu tham vọng bước vào các thị trường lớn hơn của mình. FamilyMart đang cân nhắc việc tấn công thị trường Nga. Giám đốc tài chính Miyamoto tiết lộ FamilyMart có thể mở ít nhất 300 tới 500 cửa hàng tại Nga. Tuy nhiên, ông này không nói rõ thời gian tiến hành.

 

Trong khi đó, các thị trường châu Á, ngoại trừ Việt Nam, Trung Quốc, các thị trường khác mang lại lợi nhuận khá nhanh và khá lớn cho FamilyMart. FamilyMart tại Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc giúp công ty này kiếm được thu nhập 2,4 tỷ yên (tương ứng 244 triệu USD) năm 2011. Trong đó, Thái Lan có tốc độ sinh lợi rất nhanh.

 

Tháng 11/2012, công ty này có mặt tại 8 nước khác. Tháng 1/2013, Philippines được chọn là điểm đến mới. Có thể thấy, vốn hay khả năng chịu lỗ không phải là vấn đề lớn với FamilyMart khi công ty này rời bỏ thị trường Việt Nam.

 

Tuy nhiên, hiện tại, website chính thức của FamilyMart tại Nhật và Việt Nam đến nay vẫn chưa công bố thông tin này. Thậm chí, trong dòng “đầu tư ra nước ngoài”, FamilyMart Nhật Bản vẫn giữ tên Vi Na FamilyMart.

 

Tham vọng thống lĩnh Việt Nam, ông trùm Thái mua vốn Việt

 

Trong khi cả phía FamilyMart Nhật Bản và Phú Thái khá im hơi lặng tiếng và không đưa ra bất cứ thông tin hay bình luận nào về thương vụ này thì “kẻ thứ 3” công ty liên doanh Thai Corporation International (TCI), được góp vốn từ tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của tỷ phú Charoen và Mongkol Group (Thái Lan) lại khá “hào phóng” thông tin.

 

Mặc dù tới giữa năm 2013, các cửa hàng FamilyMart mới được thay diện mạo mới dưới thương hiệu B’s mart nhưng từ năm 2012, TCI đã mạnh miệng tuyên bố muốn thâu tóm FamilyMart.

 

Trong bài báo có tên “Berli Jucker để mắt tới thị trường bán lẻ Việt Nam”, tác giả tiết lộ Berli Jucker Plc (BJC) đang nỗ lực tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam với bản hợp đồng trị giá từ 1 tới 3 tỷ bath (32 triệu tới 96 triệu USD). Đây là lần thứ 3 ông trùm Charoen Sirivadhanabhakdi tăng cường lĩnh vực này sau khi thất bại với Carrefour Hypermarkets và chính FamilyMart tại Thái Lan.

 

Cần phải nói thêm, BJC rất muốn thâu tóm FamilyMart Thái Lan khi công ty này có tốc độ sinh lời nhanh, khả năng sinh lời lớn. Nhưng thâu tóm bất thành nên có lẽ, BJC đã chuyển hướng sang FamilyMart Việt Nam.

 

Chủ tịch BJC Aswin Techajaroenvikul đánh giá động thái này phù hợp với chính sách xuyên suốt mà ông Charoen đã đề ra để giúp công ty phát triển bền vững. Techajaroenvikul cho biết thêm nếu công ty này đạt được thỏa thuận với công ty phân phối hàng đầu Việt Nam, hệ thống phân phối có thể được mở rộng từ 50.000 cửa hàng hiện tới lên tới 200.000 cửa hàng. Về doanh số, Techajaroenvikul kỳ vọng lượng tiêu thụ sẽ tăng 150% lên 5 tỷ bath.

 

Về thương vụ mua lại chuỗi FamilyMart tại Việt Nam, ông Mongkol Banthrarungroj, Giám đốc điều hành TCI, cho biết: “Chuỗi bán lẻ này dự kiến sẽ mang lại nguồn doanh thu ít nhất là 5 tỷ bath (160,5 triệu USD) trong vòng 5 năm tới. Đặc biệt, hơn 70% hàng hóa tại đây sẽ có xuất xứ từ Thái Lan, còn lại là hàng Việt Nam”.

 

Aswin Techajaroenvikul không giấu tham vọng “thống lĩnh” thị trường bán lẻ Việt Nam khi phát biểu: “Đây là cơ hội lớn phát triển sản phẩm tiêu dùng tại Việt Nam. Nếu hợp đồng được ký kết kỳ vọng trở thành công ty phân phối sản phẩm tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam có thể sẽ thành sự thật”.

 

Ông còn cho biết thêm, bước đi tiếp theo BJC sẽ mở rộng kinh doanh bán lẻ tại ASEAN.

 

Ông trùm muốn thống lĩnh thị trường Việt Nam là ai?

 

Ông trùm Charoen Sirivadhanabhakdi
Ông trùm Charoen Sirivadhanabhakdi

 

Charoen Sirivadhanabhakdi năm nay 69 tuổi. Ông có tới 5 người con. Kinh doanh trong lĩnh vực nước giải khát đã giúp ông trở thành người giàu thứ 82 thế giới trong danh sách của Fobes khi có tổng tài sản lên tới 11,6 tỷ USD. Trước đó chỉ 1 năm, ông đứng ở vị trí khiêm tốn hơn rất nhiều 184. Ông là người giàu thứ 2 ở Thái Lan.

 

Tài sản của ông nhiều gấp đôi giá trị cổ phiếu Bev Thái mà ông nắm giữ. Ông đã đánh bại gia đình của Indonesia để kiểm soát thị trường nước giải khát tại Singapore và công ty bất động sản Fraser & Neave (F&N). Ngoài ra, ông còn sở hữu nhiều bất động sản sang trọng tại Châu Á, Úc, Mỹ.

 

Nhưng có lẽ điều khiến ông nổi tiếng nhất chính là việc “cản đường” các thương vụ thâu tóm đình đám. Khi Heineken sắp hoàn tất việc mua lại APB, hãng sản xuất bia Tiger, thông qua công ty của con rể, Charoen đột ngột xuất hiện, đề xuất mua cổ phần APB với mức giá cao hơn của Heineken.

 

Sự “phá bĩnh” của tỷ phú này buộc Heineken vội vã đưa ra mức giá chào mua 7,5 tỷ Đôla Singapore (6 tỷ USD), tương đương 50 Đôla Singapore/cổ phiếu, để có được toàn bộ cổ phần còn lại của APB.

 

Việc Charoen nhảy vào cản trở thương vụ Heineken-Tiger đã làm cho họ hàng của ông giàu lên. Với cổ phần khoảng 24% trong F&N, công ty Thai Beverage của Charoen sẽ kiếm được một khoản vào khoảng 742 triệu USD.

 

Trong cuộc chiến trước đây với hãng bia Đan Mạch Carlsberg, Charoen ban đầu thậm chí đòi đối thủ này phải bồi thường thiệt hại với số tiền lên tới 2 tỷ USD.

 

Theo Bảo Linh

VTCNews

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm