1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chuỗi cung ứng: Việt Nam đang ở đâu?

Không chỉ là một câu hỏi, đó còn là một thông điệp thú vị mà TS. Homi Kharas, nhà nghiên cứu tại Học viện Brookings, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương muốn gửi tới đại diện Chính phủ, giới học giả Việt Nam.

Thông điệp này được đưa ra nhân buổi công bố nghiên cứu mới của mình với tựa đề “Đông Á Phục Hưng: ý tưởng phát triển” diễn ra ngày 6/6 tại Hà Nội.

Thông điệp mà TS. Homi Kharas đưa ra là chúng ta không thể có năng lực cạnh tranh ở khu vực Đông Á ngày nay nếu không tham gia vào chuỗi cung ứng của nó. Việt Nam vẫn chưa hội nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực. Do đó, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, việc tham gia vào chuỗi cung ứng chính là điều Việt Nam cần chú ý hơn nếu vẫn muốn duy trì năng lực cạnh tranh của mình.

Một thực tế là Trung Quốc đang dần thay thế tất cả các nước trong chuỗi cung ứng. Như trường hợp của Hàn Quốc là một ví dụ, trong quá trình xuất khẩu sang thị trường thứ ba của mình là Mỹ thì Hàn Quốc đã bị Trung Quốc soán ngôi, và những ngành Trung Quốc chiếm thị phần của các nước Đông Á khác lại chính là ngành trước đây Trung Quốc đã từng nhập khẩu rất nhiều.

Tuy nhiên, Ts.Homi Kharas đã chỉ ra một kết quả thú vị, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia, những nước này thay vì xuất khẩu sang Mỹ đã chuyển sang xuất khẩu vào chính thị trường Trung Quốc, trong quá trình làm như vậy họ đã “leo lên” cao hơn trong chuỗi giá trị và nhờ đó giá trị xuất khẩu của những nước này đã tăng lên được. Chuyên gia WB đưa ra nhận xét Việt Nam đang là trường hợp ngoại lệ, chưa thấy bị ảnh hưởng tiêu cực gì từ Trung Quốc, chưa bị Trung Quốc chiếm chỗ, ít nhất xét ở khía cạnh thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở các nước thứ ba vẫn duy trì tăng trưởng ở những ngành giống như Trung Quốc.

Song ông cũng chỉ ra rằng điều đó không có nghĩa yên tâm mãi được vì khi Việt Nam chuyển sang mức cao hơn trong chuỗi giá trị đó thì sẽ đụng chạm vào lĩnh vực mà Trung Quốc đang thực hiện. Phân tích “Đông Á Phục Hưng” của Tiến sĩ Homi Kharas và đồng tác giả Tiến sĩ Indermit Gill cho thấy trong khi những nước bị Trung Quốc thay thế ở thị trường thứ ba thì họ lại tranh thủ được từ việc ở gần Trung Quốc và xuất khẩu sang chính thị trường Trung Quốc.

Vậy chiến lược đối phó của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sẽ như thế nào? Những nước có thu nhập trung bình trong Đông Á đang tăng tỉ lệ xuất khẩu những ngành có hiệu suất gia tăng theo quy mô như: máy móc, điện tử, sắt thép, dược. Mở rộng hiện diện trong những ngành trên, các nước đó sẽ tranh thủ được nền kinh tế theo quy mô dựa vào mạng lưới sản xuất lớn. Còn những mặt hàng giày dép, may mặc, đồ gỗ... là những ngành truyền thống dành cho các nước có thu nhập thấp.

Vấn đề của Việt Nam, theo Tiến sĩ Homi Kharas, là làm sao dịch chuyển từ những ngành nghề truyền thống đó để “ngoi lên” mạng lưới sản xuất lớn, không chỉ thuần tuý khai thác lợi thế tự nhiên như lao động không kỹ năng dồi dào để chuyển sang những ngành có khả năng khai thác theo quy mô tốt hơn.

Tiến sĩ Indermit Gill giải thích: thực ra phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc là do các công ty đa quốc gia sản xuất và hàm lượng nhập khẩu từ chuỗi cung ứng của cả khu vực để sản xuất ra những mặt hàng đó rất nhiều. Chính vì thế, nói là xuất khẩu nhưng không phải xuất khẩu của Trung Quốc mà của cả khu vực. Còn Việt Nam vẫn đang xuất khẩu hàng thô sang Trung Quốc vì Việt Nam hiện nay vẫn chưa hội nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực.

Cảm nhận mà ông Indermit Gill cho biết là Việt Nam sẽ khó có năng lực cạnh tranh nếu như Việt Nam không chịu gia nhập chuỗi cung ứng khu vực. Theo ông, bất cứ quốc gia nào tự sản xuất tất cả các linh kiện với mức độ quy mô nhưng vẫn muốn đạt hiệu quả về chi phí là điều rất khó. Cơ hội to lớn cho Việt Nam là tiếp tục đi theo những lĩnh vực mà Trung Quốc bỏ ngỏ.

Câu hỏi mấu chốt là liệu Việt Nam có thể cải thiện dịch vụ vận tải hậu cần và cơ sở hạ tầng của mình nhanh chóng hay không? Việt Nam có thể thu hút được các tập đoàn đa quốc gia và hội nhập vào chuỗi cung ứng và chọn chuỗi nào để hội nhập? Những cái đó sẽ quyết định mức độ để Việt Nam gia nhập và cạnh tranh với các công ty trong khu vực. Theo hai vị chuyên gia của WB thì dây chuyền cung ứng trong ngành sản xuất ôtô là lĩnh vực Việt Nam có thể đóng vai trò khá quan trọng.

Nghiên cứu của hai chuyên gia kinh tế cao cấp của WB đưa ra một kết luận quan trọng. Đó là việc tạo ra, phổ biến, hấp thụ và áp dụng ý tưởng, kiến thức và công nghệ mới được thừa nhận là một nhân tố quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trên thực tế, có nhiều cách để một nước như Việt Nam thúc đẩy công nghệ, sáng tạo như đầu tư cho giáo dục bậc cao, thu hút FDI, nghiên cứu phát triển...

Ts. Hami cho biết hình thức chủ chốt để chuyển giao công nghệ lại vẫn dựa vào FDI và nhập khẩu các máy móc thiết bị. Điều quan trọng, theo ông Humi, là ngay cả nước có thu nhập thấp và trung bình thì các doanh nghiệp vẫn phải có riêng bộ phận R&D của mình. Phát triển R&D không thuần tuý phải đi đầu trong mọi lĩnh vực tiên phong của thế giới. Với thị trường thứ ba thì họ lại tranh thủ được từ việc ở gần Trung Quốc và xuất khẩu sang chính thị trường Trung Quốc.

Theo Hà Linh
VnEconomy