1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất châu Á

(Dân trí) - Tính theo USD, chứng khoán Việt Nam đang có mức tăng trưởng mạnh nhất châu lục kể từ đầu năm đến 1/8. Tuy nhiên, nếu tính theo giá nội tệ, tăng trưởng của chứng khoán Việt xếp thứ 2 sau Nhật Bản trong khi lại được đánh giá rẻ và tiềm năng hơn nhiều.

Theo dữ liệu của Hãng tin Reuters, Việt Nam đã trở thành thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng mạnh nhất châu Á với mức tăng đạt khoảng 18% (tính theo giá USD) kể từ đầu năm 2013 tới 1/8. Kế đến là Nhật Bản với mức tăng xấp xỉ.

Diễn biến chỉ số các thị trường chứng khoán châu Á từ đầu năm đến 1/8.
Diễn biến chỉ số các thị trường chứng khoán châu Á từ đầu năm đến 1/8.

Cùng với Nhật Bản, Việt Nam đang bỏ xa các quốc gia khác trong khu vực có diễn biến chỉ số tích cực như Philippines (chưa tới 9%), New Zealand, Đài Loan, Thái Lan và Indonesia.

Tuy nhiên, nếu tính theo tiền tệ địa phương thì tăng trưởng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 19% trong khi chứng khoán Nhật Bản tăng trưởng tới 35% trong 7 tháng đầu năm.

Cũng theo cách tính dựa theo đồng nội tệ thì chứng khoán Australia đạt mức tăng trưởng khoảng 8% trong khi nếu tính theo USD, thị trường nước này lại tăng trưởng âm khoảng 7%. Tương tự chứng khoán Singapore, Malaysia cũng sẽ đạt tăng trưởng dương nếu tính theo đồng nội tệ.

Những thị trường có đợt suy giảm mạnh nhất về chỉ số trong thời gian này lại là 3 cường quốc Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ấn Độ có mức suy giảm khoảng 12% theo USD và khoảng 4% theo giá nội tệ. Trung Quốc có mức giảm khoảng 9% theo giá USD và hơn 10% theo Nhân dân tệ. Hàn Quốc giảm gần 9% theo giá USD và gần 5% theo nội tệ.

Với tiêu chí xếp hạng là hệ số P/E (giá cổ phiếu trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) thì Phillipines lại dẫn đầu bảng, kế đến là Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Đài Loan, Indonesia, Singapore... Việt Nam xếp thứ 11, nằm trong nhóm 4 thị trường có P/E thấp nhất khu vực.

Định giá các thị trường chứng khoán châu Á từ đầu năm đến 1/8.
Định giá các thị trường chứng khoán châu Á từ đầu năm đến 1/8.

Chỉ số P/E thấp thường cho thấy mức giá cổ phiếu đang ở mức thấp, có nhiều tiềm năng tăng thêm, khả năng sinh lợi ở mức cao (tuy nhiên với điều kiện EPS đạt giá trị dương).

Trên thực tế, chứng khoán Việt Nam đang được đánh giá là thị trường có mức giá rẻ trên thế giới và nhiều cơ hội cho khối ngoại. Nhà quản lý quỹ Mark Mobius thuộc Quỹ Templeton Frontier Markets Fund từng nhận xét trên Bloomberg: “Thị trường Việt Nam có triển vọng tăng nhiều hơn là giảm, nhưng sẽ có những đợt điều chỉnh diễn ra trong quá trình tăng đó. Tất cả mọi thứ ở Việt Nam giờ đều khá rẻ, dù giá cả đã tăng nhiều. Có rất nhiều cơ hội ở đó”

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm