Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 10

Mai Chi

(Dân trí) - Với mức giảm 11% trong tháng 10, VN-Index là chỉ số có diễn biến giảm mạnh nhất thế giới. Giá trị vốn hóa sàn HoSE "bốc hơi" tới 19,7 tỷ USD.

Trước khi mở cửa phiên đầu tiên của tháng 11 tương đối thuận lợi thì thị trường chứng khoán đã trải qua quãng thời gian giao dịch chật vật và gay cấn trong tháng 10. Đóng cửa phiên 31/10, VN-Index để thủng ngưỡng 1.030 điểm sau khi ghi nhận thiệt hại 14,21 điểm tương ứng 1,36% còn 1.028,19 điểm.

Chỉ số đại diện sàn HoSE đã đánh rơi tổng cộng hơn 127 điểm trong tháng 10 vừa qua tương ứng mức sụt giảm 11%. Theo đó, giá trị vốn hóa thị trường của HoSE cũng "bốc hơi" 479.664 tỷ đồng (khoảng 19,7 tỷ USD). Tại thời điểm đóng cửa tháng 10, quy mô vốn hóa HoSE ở mức 4,14 triệu tỷ đồng.

Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 10 - 1

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 10 (Nguồn: Stockq).

Chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường có diễn biến tồi tệ nhất trên thế giới. Thống kê của trang Stockq cho thấy, trong tuần cuối cùng của tháng 10, VN-Index giảm hơn 7%, giảm mạnh thứ 3 thế giới và là thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 10.

Thực tế trên thị trường quốc tế, chứng khoán cũng trải qua tháng 10 đầy biến động. Thị trường Mỹ ghi nhận 3 tháng giảm điểm liên tiếp với Dow Jones và S&P 500 đánh rơi lần lượt 1,4% và 2,2%. Chỉ số công nghệ Nasdaq sụt 2,8% trong tháng 10 và cũng là tháng thứ 3 sụt giảm liên tiếp.

Sau VN-Index, chỉ số chính của một số thị trường khác trên thế giới cũng lao dốc mạnh như Israel (giảm 10,72%) do tác động của tình hình chiến sự ; Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 9,85%); UAE Dubai (giảm 7,8%); Hàn Quốc (7,59%); Chile (7,3%); Ireland (7,04%)…

Mức sụt giảm mạnh của VN-Index từ trung tuần tháng 9 tới nay (giảm 217,3 điểm tương ứng 17,4%) đã cuốn trôi gần như toàn bộ thành quả tăng điểm của VN-Index kể từ đầu năm. Vốn hóa thị trường của HoSE kể từ đỉnh ngắn hạn đến nay đã suy giảm 840.536 tỷ đồng (34,5 tỷ USD) trong khoảng 1 tháng rưỡi.

Điểm số thị trường diễn biến bất lợi trên nền thanh khoản không ngừng bó hẹp. Trên thị trường cơ sở, từ mức thanh khoản tỷ USD hồi tháng 9, đến tháng 10 con số này đã về quanh mức 17.000 tỷ đồng (giảm hơn 30%), đặc biệt những phiên cuối tháng 10, giá trị giao dịch có những phiên về mốc 10.000 tỷ đồng.

Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 10 - 2

Diễn biến VN-Index trong tháng 10 (Nguồn: Tradingview).

Việc thị trường giai đoạn cuối tháng 10 liên tục có những cú sụt giảm bất ngờ vào cuối phiên cũng khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên dè chừng. Cổ phiếu bị xả đột ngột trong phiên ATC (đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa) khiến nhiều nhà đầu tư bị lỗ nhanh chóng và không dám mua vào ở phiên kế tiếp.

Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, với định giá thị trường (theo phương pháp P/E) hiện khoảng xấp xỉ 11,5 lần - thấp hơn trung bình 5 năm - được cho là cơ hội tốt để gia tăng cổ phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn.

Tại tọa đàm Đối thoại và Giải pháp chủ đề "Tìm động lực cho thị trường chứng khoán những tháng cuối năm" do Báo Dân trí tổ chức sáng 30/10, ông Đinh Đức Minh - Giám đốc Đầu tư Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital - cho rằng, thị trường đang phản ánh tương đối chính xác diễn biến kể cả sự kiện tích cực lẫn tiêu cực trên thị trường trong khoảng 1 năm nay.

Chuyên gia độc lập Phan Dũng Khánh nhận định, thị trường chiết khấu mạnh là cơ hội cho những nhà đầu tư đang cầm tiền mặt. "Có thể, thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng trong trung và dài hạn là một tương lai xán lạn", ông Khánh lạc quan.