Chứng khoán phá đỉnh mọi thời đại ngay đầu năm, kỳ vọng gì vào 2022?

Mai Chi

(Dân trí) - Bước vào năm 2022, thị trường chứng khoán có một khởi đầu rất thuận lợi. VN-Index bứt tốc tăng mạnh, vượt 1.500 điểm một cách dễ dàng và thiết lập đỉnh mới.

Một năm thắng lợi

Tham dự đánh lễ cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2022 diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào sáng nay (4/1), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, 2021 là một năm thắng lợi với ngành tài chính và lĩnh vực chứng khoán.

Cụ thể, đến thời điểm 31/12, thu ngân sách Nhà nước đã vượt 16,4%; trong đó thuế, phí vượt 11,3%; so với năm 2020, vượt 7,4%.

Riêng thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ số VN-Index tăng thêm 35,7% so với mốc lịch sử là 1.498 điểm vào phiên cuối năm, thanh khoản đạt mức gấp 2,6 lần 2020, đạt 26.600 tỷ đồng/phiên, đặc biệt giá trị giao dịch chứng khoán trong tháng 9 liên tục đạt trên 1 tỷ USD, có những phiên lên tới  2 tỷ USD.

Chứng khoán phá đỉnh mọi thời đại ngay đầu năm, kỳ vọng gì vào 2022? - 1

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Lễ đánh cồng sáng nay (Ảnh: Chụp màn hình).

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,77 triệu tỷ đồng, tăng 46,8%, đạt 123% so với GDP 2020 chưa điều chỉnh, 92,6% so với GDP đã điều chỉnh.

Số lượng nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán đạt mức kỷ lục (trên 1,5 triệu tài khoản), bằng 4 năm trước đó cộng lại. Giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán tăng 25% so với năm 2020, trong đó phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 155.588 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm trước.

Huy động vốn cho ngân sách Nhà nước đạt 318.000 tỷ đồng với kỳ hạn huy động bình quân dài nhất 13,92 năm và lãi suất huy động bình quân thấp nhất đạt 2,3% năm, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công của Chính phủ.

5 nhiệm vụ lớn với chứng khoán Việt năm nay

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bước sang năm mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá, 2022 tiếp tục là năm khó khăn, kinh tế vẫn đứng trước nguy cơ, thách thức của đại dịch Covid - 19 dẫn tới lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới đang còn khó khăn, với những thay đổi, biến đổi liên tục thất thường của các hoạt động kinh tế.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ đạo ngành chứng khoán cần luôn đổi mới, chủ động để đạt được mục tiêu của mình và đạt được thành công trong năm 2022 và giao nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán năm 2022.

Cụ thể, thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, từ Luật đến Nghị định, Chiến lược phát triển của ngành chứng khoán, các thông tư và các quy định pháp luật có liên quan để bịt các lỗ hổng, đảm bảo cho thị trường chứng khoán phát triển một cách lành mạnh, minh bạch, đúng đắn. 

Thứ hai, hoàn thiện xây dựng bộ máy, sau khi thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, cần tiếp tục bố trí, sắp xếp công tác tổ chức, bộ máy một cách linh hoạt nhất, hiệu quả nhất, chất lượng nhất. Tập trung cơ cấu lại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chuyên môn hóa cao. Bộ máy tốt, con người tốt sẽ có vai trò đảm bảo thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Thứ ba, xây dựng hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chuyên nghiệp để thuận lợi cho kinh doanh và thuận lợi trong công tác quản lý.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, trục lợi trên thị trường chứng khoán.

Tại sự kiện sáng nay, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cũng đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Phớc, khẳng định nhiệm vụ Bộ trưởng giao là những mục tiêu quan trọng để ngành chứng khoán thực hiện trong năm 2022, những năm tiếp theo và cho giai đoạn 10 năm tới.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cam kết, Ủy ban và ngành chứng khoán sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động cho năm 2022 và thể hiện đầy đủ trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán trong 10 năm tới.

Lập đỉnh mới

Trên thị trường chứng khoán sáng nay (4/1), VN-Index mở đầu phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 mức tăng rất mạnh 19,67 điểm tương ứng 1,31% lên 1517,95 điểm.

VN30-Index tăng 16,71 điểm tương ứng 1,09% lên 1.552,42 điểm, mức tăng có phần khiêm tốn hơn so với VN-Index.

HNX-Index ngược lại giảm 0,57 điểm tương ứng 0,12% còn 473,42 điểm; UPCoM-Index tăng 0,53 điểm tương ứng 0,47% lên 113,22 điểm.

Tuy chịu áp lực chốt lời đáng kể ở vùng đỉnh nhưng lực cầu vẫn tốt giúp thanh khoản trên HSX giữ "phong độ" so với phiên trước. Khối lượng giao dịch sàn này đạt 526,01 triệu cổ phiếu tương ứng 16.688,12 tỷ đồng.

HNX có 58,02 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.704,38 điểm; UPCoM có 62,89 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.398,49 tỷ đồng.

Sắc xanh lan tỏa thị trường với 619 mã tăng, 36 mã tăng trần so với 359 mã giảm, 11 mã giảm sàn. Điều này cho thấy sự đồng thuận của thị trường về triển vọng của chỉ số.