Chứng khoán: “Cái gì lên cao quá thì phải xuống”
Thị trường chứng khoán đang có hai phản ứng trái ngược: nhà đầu tư nước ngoài mua vào, còn nhà đầu tư trong nước bán ra. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông Đôn Lâm, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vina Capital nói về thị trường chứng khoán hiện nay.
Thưa ông, tại sao khi thị trường chứng khoán đi xuống, có hai phản ứng trái ngược: nhà đầu tư nước ngoài mua vào, còn nhà đầu tư trong nước bán ra?
Trước hết, về hướng nhà đầu tư nước ngoài, thông thường khi mua họ sẽ xem giá cổ phiếu đó có chỉ số P/E (Price Earning) (*) gấp mấy lần, lợi nhuận công ty cao chừng nào thì P/E cao chừng ấy.
Thí dụ, ở thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài tính toán, chỉ số P/E của các công ty chỉ trong khoảng từ 10-15 lần. Những lúc P/E lên quá 15 lần, nhà đầu tư nước ngoài không mua nữa, và họ cũng không bán, vì họ đầu tư trung và dài hạn.
Khi thị trường lên, nhà đầu tư nhỏ lẻ mua vào nhiều, đó là tâm lý của người chưa hiểu nhiều về thị trường. Giá càng lên cao họ càng mua, vì suy luận đơn giản hôm nay mua, ngày mai giá lên kiếm lời. Các nhà đầu tư đẩy giá cổ phiếu công ty lên gấp 3 lần trong một tháng, nhưng lợi nhuận công ty đâu có tăng lên 3 lần?
Nên nhớ là giá cổ phiếu phải đi theo lợi nhuận của công ty, chừng nào lợi nhuận tăng 3 lần thì giá sẽ tương ứng. Khi thị trường lên đến một mức nào đó, nhà đầu tư không mua nữa vì giá cổ phiếu quá cao, bắt đầu có nhiều người bán ra, giá bắt đầu xuống.
Giảm đến một mức nào đó, giá lại nằm trong mức P/E 10-15, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào.
Ông nhận định thế nào về thị trường khi chỉ số rớt dưới 400 điểm?
Theo tôi, quy luật là cái gì lên cao quá thì phải xuống. Tôi nhớ khi giá cổ phiếu lên cao, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có lên tiếng cảnh báo các nhà đầu tư. Đó là dấu hiệu cho các nhà đầu tư, nhưng họ đã không quan tâm.
Chỉ số giảm qua dưới 400 điểm là một điều khá bất ngờ, tuy nhiên, chưa thể nói được điều gì, vì bây giờ mới là tháng 8, đến cuối năm chỉ số sẽ lên lại từ từ. Đơn giản là thị trường xuống đến một mức nào đó thì các quỹ đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư lớn sẽ mua lại, đó là một trong những lực đẩy cho thị trường lên lại.
Vậy thời gian qua, lượng mua bán cổ phiếu của Vina Capital như thế nào?
Chủ yếu là chúng tôi mua, còn bán hầu như không có. Nhà đầu tư tổ chức chỉ bán khi đổi chiến lược đầu tư. Thí dụ như họ sẽ bán khi quyết định không đầu tư vào ngành công nghiệp này mà đầu tư vào ngành công nghiệp khác.
VAFI vừa có văn bản gửi Chính phủ đề nghị cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phiếu với tỷ lệ tối đa (từ 49% lên 100%), trừ một số lĩnh vực có điều kiện riêng. Nếu được thông qua, điều này tác động như thế nào đến thị trường hiện nay?
Điều này sẽ tốt cho thị trường. Tôi đồng tình với mục đích ổn định thị trường. Trong vòng 2-3 năm nay, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường mua bán ngắn hạn, đôi lúc làm thị trường không được ổn định. Nâng tỷ lệ tối đa giúp ổn định thị trường về lâu về dài, vì nhà đầu tư dài hạn không mua bán hàng ngày như những nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà họ mua và để đến 3, 4 năm.
Ngoài ra, sau này Việt Nam sẽ phát triển về ngành quản lý quỹ, tôi muốn nói về các quỹ đầu tư trong nước, với sự chuyên nghiệp, các nhà quản lý quỹ sẽ bình tĩnh khi thị trường lên và lúc thị trường xuống, không mua bán gây thị trường biến động mạnh.
Và người dân không hiểu nhiều về chứng khoán có thể bỏ tiền vào quỹ. Như vậy tốt và lâu dài cho thị trường chứng khoán hơn.
Hiện có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang muốn tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Càng nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thì tác động như thế nào đến thị trường? Và có làm sức cạnh tranh giữa các quỹ tăng lên?
Hiện nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài đang tiến hành mở tài khoản lưu ký, xin mã số giao dịch, và chọn công ty môi giới, chuẩn bị gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam như Merrill Lynch, Global Equity shareholder Yield Fund, Old Mutual Clay Finlay Emerging Market Fund...
Các quỹ đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường sẽ làm tăng cầu, cầu tăng góp phần giúp thị trường phát triển và ổn định. Trong 6 năm qua, trên thị trường chứng khoán, tôi chưa thấy quỹ đầu tư nào rút tiền thật nhanh khỏi thị trường cả.
Việt Nam có một số chính sách nhằm ổn định và giữ vững thị trường nên tôi nghĩ những nhà đầu tư nước ngoài thích đầu tư “nóng” sẽ không vào Việt Nam, mà chỉ có những nhà đầu tư trung và dài hạn tham gia.
Tính đến hết tháng 7, giá trị niêm yết gần 8.000 tỉ đồng, đạt mức vốn hoá thị trường xấp xỉ 50.000 tỉ đồng, tương đương 3 tỉ USD, đó là chưa kể những doanh nghiệp lớn sẽ lên sàn trong tương lai như Vietcombank, Á Châu... vốn thị trường sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Vốn tăng, các quỹ đầu tư nước ngoài vào sẽ tăng thêm tín hiệu tốt cho thị trường. Và các quỹ có vào cũng chưa đủ con số để cạnh tranh, vì các thị trường khác có mấy trăm quỹ đầu tư tham gia kia mà.
Theo Hồng Sương
Báo SGTT
(*): P/E là chỉ số phản ánh mối quan hệ giữa thị giá cổ phiếu và lợi nhuận sau thuế trong một năm của công ty