Chứng khoán 20 năm sau “Ngày thứ hai đen tối”

Thứ hai, ngày 19/10/1987, thị trường tài chính Mỹ đã rơi vào một cơn khủng hoảng được coi là tồi tệ nhất của thế kỷ 20. Sau 20 năm, những kinh nghiệm xương máu rút ra từ Ngày thứ hai đen tối này vẫn còn nguyên giá trị.

Thảm họa lịch sử

Những giây phút đầu tiên của phiên giao dịch ngày thứ hai sau 2 ngày nghỉ cuối tuần đã khiến những người buôn chứng khoán phố Wall hoang mang vì hầu hết các cổ phiếu đều rớt giá.

Khi bắt đầu ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 9% (tương đương 200 điểm); đến cuối ngày, chỉ số Dow Jones đã rớt mất 508 điểm, tương đương 23%. Đây là ngưỡng mà người ta không thể tưởng tượng nổi bởi vì ngay cả trong cơn khủng hoảng ngày 28/10/1929 (cũng nhằm ngày thứ hai) đã khiến nước Mỹ rơi vào thời kỳ Đại khủng hoảng, mức độ suy giảm cũng chỉ vào khoảng 12%.

"Các nhà đầu tư tại các sàn giao dịch gần như rơi vào trạng thái hoảng loạn. Đó là một ngày mà tôi không thể tin là tại sao những điều tồi tệ như vậy lại có thể xảy ra. Hệ thống tài chính và thị trường cổ phiếu đã đứng bên bờ vực của sự sụp đổ", nhà đầu tư A.Hogan đã nhớ lại.

Tại thời điểm kinh hoàng đó, các nhà đầu tư gọi điện tới tấp cho những người môi giới để tìm cách bán tống bán tháo những cổ phiếu mà họ có với hy vọng vớt vát được phần nào thứ tài sản đang có nguy cơ trở thành giấy lộn của họ.

Tuy nhiên, chỉ có rất ít người dám mua vào, trong giây lát, nhiều nhà đầu tư đã mất hàng trăm triệu USD. Trong cơn hoảng loạn, một số người đã vác súng đến xả vào các văn phòng môi giới chứng khoán hoặc kê súng vào đầu tự tử để không muốn nhìn thấy những khoản tiền bạc khổng lồ của họ đã ra đi.

Sau này, một số nhà đầu tư sống sót qua được ngày 19/10 này đã kể lại rằng họ không hiểu được lý do nào đã khiến họ bán ồ ạt cổ phiếu của họ lúc đó, ngoại trừ việc trông thấy "người khác đang bán cố phiếu". Ngày 19/10 đã gây ra một thiệt hại khủng khiếp cho thị trường chứng khoán Mỹ với 560 tỉ USD.

Đi tìm nguyên nhân

Hai mươi năm đã trôi qua, gần đây, các nhà tài chính phố Wall đã lên tiếng kêu gọi các chuyên gia tài chính, các nhà buôn cổ phiếu nhìn nhận, đánh giá thêm về Ngày thứ hai đen tối để người ta có thể tránh được một ngày đen tối khác có thể đến trong tương lai.

Trước đó, đã có rất nhiều các quan điểm đưa ra về nguyên nhân dẫn đến cơn khủng hoảng khủng khiếp của thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới năm 1987. Các chuyên gia đều cố sức tìm ra những lý do đã khiến cho thị trường này đã rơi vào suy sụp một cách vô cùng nhanh chóng, mức độ thiệt hại rất lớn và mang tính toàn cầu như vậy.

Năm 1986, kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu suy giảm, tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ lại phát triển rất nhanh chóng với tốc độ từ 18,5% lên tới 43,6% vào giữa tháng 8/1987. Cùng lúc, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang phải tập trung để đối phó với cơn lạm phát và tỷ lệ lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở mức rất cao.

Tình hình chung này kết hợp với xu hướng kinh doanh ăn chênh lệch chỉ số, sự thiếu tính thanh khoản của thị trường và tâm lý đầu tư theo kiểu "đám đông" đã góp phần tạo ra Ngày thứ hai đen tối của năm 1987. Không ít người còn đổ tội cho vai trò của máy tính điện tử trong sự kiện ngày 19/10.

Người ta cho rằng hệ thống máy tính đã góp phần không nhỏ vào thảm họa này bởi vì chúng cho phép các nhà đầu tư thực hiện được một khối lượng giao dịch lớn trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi. Tâm lý mua bán theo kiểu "đám đông" với sự hỗ trợ đắc lực của máy tính điện tử đã góp phần tạo ra Ngày thứ hai đen tối.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng lẽ ra Ngày thứ hai đen tối năm 1987 đã không đến mức nghiêm trọng như vậy nếu các nhà đầu tư cổ phiếu Mỹ tỉnh táo hơn: họ đã bị ám ảnh nặng nề bởi một ngày thứ hai đen tối trước đó vào năm 1929. Do vậy, không phải ai cũng có đủ tỉnh táo để tìm cách giảm bớt thiệt hại cho chính mình.

Một Ngày thứ hai đen tối khác?

Những gì đã xảy ra ở quá khứ đều có thể đến trong tương lai. "Những hiểm họa vẫn đang tồn tại và phát triển trong suốt 20 năm qua. Thị trường chứng khoán hiện đã mang tính toàn cầu ở mức độ cao hơn, phụ thuộc lẫn nhau và chẳng có một hiểm họa nào được coi là của riêng một thị trường chứng khoán nào đó", đó là quan điểm của nhà kinh tế học Wachovia (Mỹ).

Theo công bố mới đây của Hiệp hội Chứng khoán công nghiệp Mỹ, vào những năm 80, chỉ có 20% người dân Mỹ mua bán cố phiếu, con số này hiện nay đã lên tới 60%. Do vậy, nếu một khi có một chuyện "không ổn" với thị trường chứng khoán Mỹ thì mức độ tổn hại sẽ gấp nhiều lần hơn so với trước đây.

Các chuyên gia về thị trường chứng khoán lúc nào cũng chăm chú theo dõi những yếu tố có quan hệ mật thiết đến Ngày thứ hai đen tối năm 1987. Người ta đã chú ý đến sức mạnh hiện nay của nền kinh tế Mỹ, về tình hình lạm phát, giá dầu lửa tăng trên khắp thế giới và sự suy yếu của đồng USD so với trước đây...

Trong thời gian đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã có những cơn suy yếu nhất thời, tuy nhiên người Mỹ đã không phải gánh chịu một cuộc đại khủng hoảng như năm 1929 và 1987.

Điều mà người ta có thể rút kinh nghiệm được qua những cơn khủng hoảng khủng khiếp của lịch sử thị trường chứng khoán là đầu tư đúng hướng sẽ đem đến thành công, còn "chơi" chứng khoán thì phải chấp nhận rủi ro.

Nhà bác học thiên tài I.Newton đã có một câu ví von rằng: "Tôi có thể đo được sự chuyển động của các thiên thạch nhưng không thể xác định được mức độ điên cuồng của những người chơi chứng khoán".

Theo Hiếu Lê
Báo Thanh niên/IHT